Quan hệ đại diện có thể được thiết lập trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và bao gồm hai loại: Đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền.
Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (gọi là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Trong hoạt động thương mại, đại diện cho thương nhân là việc một thương nhân nhận ủy quyền (gọi là bên đại diện) của thương nhân khác (gọi là bên giao đại diện) để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo sự chỉ dẫn của thương nhân đó và được hưởng thù lao về việc đại diện (Điều 141 Luật Thương mại năm 2005).
Từ quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005 có thể khẳng định đại diện cho thương nhân là một dạng của đại diện theo ủy quyền được thực hiện trong hoạt động thương mại.
Đại diện cho thương nhân có những đặc điểm sau:
(i) Quan hệ đại diện cho thương nhân phát sinh giữa bên đại diện và bên giao đại diện. Trong quan hệ đại diện cho thương nhân thì cả bên đại diện và bên giao đại diện đều phải là thương nhân. Bên giao đại diện là một thương nhân có quyền thực hiện những hoạt động thương mại nhất định (như mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thương mại) nhưng lại muốn trao quyền đó cho thương nhân khác, thay mình thực hiện hoạt động thương mại. Bên đại diện cho thương nhân cũng phải là thương nhân thực hiện hoạt động đại diện một cách chuyên nghiệp. Do đó, có thể thấy hoạt động đại diện cho thương nhân liên quan tới 3 chủ thể: bên giao đại diện, bên đại diện và bên thứ ba (có thể là một hoặc một số người). Trong quan hệ với bên giao đại diện, bên đại diện sẽ nhân danh chính mình nhưng trong quan hệ với bên thứ ba thì họ sẽ nhân danh bên giao đại diện mà không nhân danh chính mình. Do đó, trong phạm vi ủy quyền, bên đại diện được giao dịch với bên thứ ba và mọi hành vi do bên đại diện thực hiện trực tiếp mang lại hậu quả pháp lý cho bên giao đại diện. Khi bên đại diện giao dịch với bên thứ ba thì về mặt pháp lý, các hành vi do người này thực hiện được xem như là chính người ủy quyền (người giao đại diện) thực hiện. Bên giao đại diện phải chịu trách nhiệm về các cam kết do bên đại diện thực hiện trong phạm vi ủy quyền. Đây là điểm khác biệt cơ bản của hoạt động đậi diện cho thương nhân so với các hoạt động trung gian thương mại khác. Trong quan hệ đại diện cho thương nhân, giữa bên đại diện và bên giao đại diện có sự ràng buộc khá chặt chẽ.
(ii) Nội dung của hoạt động đại diện cho thương nhân do các bên tham gia quan hệ thỏa thuận. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên đại diện được thực hiện một phần hoặc toàn bộ các hoạt động thương mại thuộc phạm vi hoạt động của bên giao đại diện. Hoạt động đại diện cho thương nhân thường bao gồm: việc tìm kiếm các cơ hội kinh doanh cho thương nhân giao đại diện; được ủy quyền tiến hành các hoạt động nghiên cứu thị trường, lựa chọn đối tác, đàm phán, giao kết hợp đồng với bên thứ ba trên danh nghĩa của bên giao đại diện và được tiến hành trọng suốt thời gian đại diện. Cùng một lúc, bên đại diện có thể tiến hành hoạt động này cho nhiều thương nhân nhưng không được nhân danh bên được đại diện để xác lập giao dịch với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Điều 141 Bộ luật dân sự năm 2015).
(iii) Quan hệ đại diện cho thương nhân phát sinh trên cơ sở hợp đồng đại diện cho thương nhân. Quan hệ đại diện cho thương nhân là quan hệ đại diện theo ủy quyền được quy định trong Bộ luật dân sự, bởi vậy, hợp đồng đại diện cho thương nhân là một dạng đặc biệt của hợp đồng ủy quyền. Khác với hợp đồng ủy quyền trong dân sự chỉ mang tính chất đền bù khỉ được các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định, hợp đồng đại diện cho thương nhân luôn mang tính chất đền bù.
Bên đại diện trong quan hệ Đại diện cho thương nhân có thể làm đại diện cho nhiều thương nhân khác.
Khái niệm đại diện cho thương nhân được quy định tại Điều 141 Luật thương mại, đó là “việc một thương nhân nhận ủy nhiệm (được gọi là bên đại diện) của thương nhân khác (gọi là bên giao đại diện) để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo sự chỉ dẫn của thương nhân đó và hưởng thù lao về việc đại diện”.
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ đại diện cho thương nhân chủ yếu được xác định thông qua các điều khoản của hợp đồng, ngoài ra còn có quyền và nghĩa vụ theo luật định. Điều 145 Luật thương mại quy định về nghĩa vụ của bên đại diện, trong đó không có quy định cấm việc đại diện cho nhiều thương nhân cùng một thời điểm. Khoản 4 Điều luật này quy định “bên đại diện không được thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa của mình hoặc của người thứ ba trong phạm vi đại diện”. Quy định này không có nghĩa bên đại diện trong quan hệ Đại diện cho thương nhân không thể làm đại diện cho nhiều thương nhân khác cùng một lúc. Bên cạnh đó, trong trường hợp hợp đồng giữa bên đại diện và bên giao đại diện không có quy định hạn chế việc đại diện cho nhiều thương nhân khác thì bên đại diện trong quan hệ Đại diện cho thương nhân có thể làm đại diện cho nhiều thương nhân khác.
Xem thêm:
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm