Giới hạn quyền tác giả trong việc sao chép, trích dẫn tác phẩm

Bởi Trần Thu Trà - 29/06/2020
view 294
comment-forum-solid 0

Giới hạn quyền tác giả là một khía cạnh thể hiện cho nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa chủ sở hữu quyền tác giả và lợi ích của công chúng. Điều này đã được thể hiện rõ trong quy định của Luật. Bài viết này phân tích một số điểm giới hạn quyền tác giả nổi bật trong việc sao chép và trích dẫn tác phẩm theo pháp luật Việt Nam.

giới hạn quyền tác giả Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 19006198

Điều kiện sử dụng giới hạn quyền tác giả trong việc sao chép và trích dẫn tác phẩm

Điểm lưu ý khi thực hiện được giới hạn này đó là việc tác phẩm đã được công bố, đây là điều kiện quan trọng được ghi nhận rất rõ trong quy định pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế cũng như luật của các quốc gia khác.

Điều này là minh chứng cho việc dù giới hạn đặt ra cho độc quyền của chủ sở hữu quyền nhưng ở một góc độ nào đó, pháp luật vẫn đang cố gắng bảo vệ quyền lợi cho người sáng tạo hoặc đầu tư tạo ra tác phẩm. Điều này cũng đang hỗ trợ cho tác giả đem đến tác phẩm thật sự có giá trị cho xã hội, như vậy chỉ khi nào tác phẩm được công bố thì các giới hạn quyền mới được đặt ra.

Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP có định nghĩa: Công bố tác phẩm là việc phát hành tác phẩm đến công chúng với số lượng bản sao hợp lý để đáp ứng nhu cầu của công chúng tùy theo bản chất của tác phẩm, do tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc do cá nhân, tổ chức khác thực hiện với sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Công bố tác phẩm không bao gồm việc trình diễn một tác phẩm sân khấu, điện ảnh, âm nhạc; đọc trước công chúng một tác phẩm văn học; phát sóng tác phẩm văn học, nghệ thuật; trưng bày tác phẩm tạo hình; xây dựng công trình từ tác phẩm kiến trúc.

Như vậy, Luật Việt Nam hiện nay chỉ thừa nhận tác phẩm đã được công bố dựa vào số lượng bản sao cung ứng đến công chúng với số lượng hợp lý mà không thừa nhận việc trình diễn, trưng bày tác phẩm trước công chúng. Trong khi luật của một số nước khác (ví dụ Mỹ, Nhật, Thụy Điển) coi việc công bố là khi các bản sao với sự đồng ý của tác giả được đưa ra bán hoặc phân phối tới công chúng dưới các hình thức trên.

Trường hợp sao chép tác phẩm đã công bố nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy, lưu trữ thư viện

Trong các giới hạn quyền tác giả thì điểm chú ý là việc sao chép một bản nhằm mục đích giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Một góc nhìn rất đơn giản về việc được quyền sao chép chỉ trong một bản duy nhất cho việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân. Một bản duy nhất này còn được gói gọn trong việc sử dụng theo Điểm a, Khoản 1 Điều 25 Luật SHTT là không nhằm mục đích thương mại và Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP.

Tại Điều 107 Luật Bản quyền Hoa Kỳ ghi nhận việc hạn chế đối với độc quyền sử dụng hợp lý tác phẩm trong việc bình luận, phê bình, giảng dạy, nghiên cứu, học tập. Đặc biệt theo ghi nhận này việc sử dụng nhằm mục đích giảng dạy còn được sử dụng nhiều bản sao cho lớp học. Các quy định của quốc gia Nhật Bản, Thụy Điển hay Hoa Kỳ đều thừa nhận giới hạn này, tuy nhiên phạm vi giới hạn được lan rộng hơn về số bản sao chép hay đối tượng sao chép, trong đó có cho việc học tập bên cạnh việc nghiên cứu khoa học, điều này khác biệt với Việt Nam khi chỉ thừa nhận về nghiên cứu khoa học và giảng dạy.

Trong quy định của Luật Bản quyền Hoa Kỳ, nếu giảng dạy có thể sử dụng nhiều bản sao cho lớp học, tuy nhiên cần đáp ứng các nhân tố như yếu tố phi lợi nhuận, yếu tố ảnh hưởng đến tiềm năng thị trường hay việc tác phẩm ấy có công bố hay chưa. Như vậy, ghi nhận về phạm vi giới hạn quyền sử dụng tác phẩm trong việc sao chép là mở rộng hơn theo pháp luật Việt Nam.

Một khía cạnh khác, trong hoạt động thư viện hiện nay khá sôi động bởi khối lượng tri thức cung cấp cho người đọc hết sức đồ sộ và phong phú. Tất cả thư viện trên thế giới và Việt Nam cũng đang cố gắng quan tâm mạnh mẽ đến vấn đề bản quyền như việc sao chép lưu trữ trong thư viện, việc số hóa các tài liệu giấy hay tải các nguồn tài liệu trên internet để lưu vào dữ liệu của thư viện. Trong pháp luật Việt Nam ghi nhận việc sao chép là độc quyền của chủ sở hữu chỉ được ghi nhận giới hạn quyền này trong việc sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện tại điểm d khoản 1 Điều 25 Luật SHTT: “Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu”. Cụ thể được hướng dẫn tại khoản 2 Điều 22 Nghị định của Chính phủ số 22/2018/NĐ-CP quy định: “Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc sao chép không quá một bản. Thư viện không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số.” Theo đó, trong trường hợp này, thư viện chỉ được phép sao chép không quá một bản và không được phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số.

Tại Điều 16 Luật Quyền tác giả Thụy Điển ghi nhận về việc giới hạn quyền sao chép khi các cơ quan lưu trữ và thư viện được làm bản sao tác phẩm lưu trong thư viện nhằm mục đích bảo quản, bổ sung nghiên cứu, các bài báo hoặc các trích đoạn ngắn của tác phẩm hoặc tài liệu nhằm mục đích an toàn không được cung cấp bản gốc, nhằm phân phối cho người sử dụng. Đặc biệt ghi nhận này tương thích với Luật Việt Nam về việc không áp dụng việc sao chép đối với chương trình máy tính tại Khoản 3 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, ở một góc độ thoáng hơn không ghi nhận giới hạn số lượng sao chép lưu trữ trong thư viện như pháp luật Việt Nam thừa nhận một bản sao duy nhất.

Giới hạn quyền tác giả trong việc sử dụng tác phẩm nhằm mục đích trích dẫn hợp lý tác phẩm

Tiếp nối một giới hạn quyền tác giả trong việc sử dụng tác phẩm hiện nay đó là việc trích dẫn hợp lý tác phẩm nhằm mục đích bình luận, minh họa, viết báo, giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý của tác giả, không nhằm mục đích thương mại.

Tại Điều 23 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP về trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình với điều kiện phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình hoặc phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng để trích dẫn và phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn.

Trong ghi nhận về Luật Quyền tác giả của Thụy Điển tại Điều 22 thì việc trích dẫn phải phù hợp với thông lệ và phạm vi cần thiết trong mục đích sử dụng thì mọi người có thể trích dẫn từ các tác phẩm đã công bố đến công chúng. Trong khi đó, Luật Bản quyền Hoa Kỳ không chỉ rõ về việc trích dẫn hợp lý, tuy nhiên cũng được thừa nhận việc sử dụng tác phẩm hợp lý theo Điều 107. Đối với Luật Quyền tác giả Nhật Bản ghi nhận tại Điều 32 “có thể trích dẫn để khai thác tác phẩm đã công bố với điều kiện trích dẫn này phải phù hợp với thông lệ chính đáng và phạm vi trích dẫn hợp lý với mục đích truyền thông báo chí, phê bình, nghiên cứu”. Tuy nhiên, các quốc gia trên vẫn không ghi nhận cụ thể việc trích dẫn như thế nào là hợp lý, chỉ giới hạn nhất định trong khuôn khổ không làm sai ý tác giả và đương nhiên cũng ghi cụ thể nguồn gốc tác phẩm. Với Công ước Berne cũng ghi nhận giới hạn quyền tác giả trong việc cho phép sử dụng tác phẩm đã được công bố để trích dẫn hoặc minh họa phục vụ giảng dạy đặc biệt phải ghi rõ nguồn gốc tác phẩm và tên tác giả theo Điều 10 Công ước Berne năm 1886 quy định một số trường hợp sử dụng tự do tác phẩm.

Thế nhưng, hiện tại hiểu thế nào là trích dẫn hợp lý tác phẩm vẫn còn là một vấn đề tranh cãi, giới hạn giữa trích dẫn hợp lý và chưa hợp lý vẫn còn rất mù mờ trong khái niệm của người sử dụng. Đối với định nghĩa pháp lý cũng không đưa ra như thế nào là trích dẫn hợp lý chỉ là nêu lên được trích dẫn xem là hợp lý khi sử dụng nhằm mục đích làm gì. Có quan điểm cho rằng trích dẫn hợp lý “là sự tái tạo chính xác một đoạn văn bản mà không có sửa chữa gì, phân biệt với đoạn văn bản xung quanh bằng dấu trích dẫn hoặc các yếu tố định dạng, dựa theo một nguồn đáng tin cậy”. Một số quan điểm khác cho rằng, trích dẫn còn được hiểu là việc sử dụng một phần tác phẩm (không đáng kể) của người khác để nêu bật ý tác giả. Việc trích dẫn phải không đơn thuần vì mục đích kinh doanh, không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng bình thường tác phẩm và phải nêu nguồn gốc của tác phẩm. Tuy vậy, trên thực tế, một số học giả trích dẫn toàn bộ nội dung của một tác phẩm nào đó cũng có thể được xem là trích dẫn hợp lý.

Xem thêm: Thủ tục đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích thực hiện thế nào?

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.
Trần Thu Trà

Trần Thu Trà

https://luatcongty.vn Trần Thu Trà là một cô gái nhiệt tình, vui vẻ và yêu đời. Có niềm đam mê với việc viết lách, thích tìm hiểu, phân tích các vấn đề pháp lý khác nhau để tạo thêm nhiều giá trị cho bản thân. Vì vậy rất mong muốn được chia sẽ những kiến thức mà mình học hỏi và tìm hiểu đến bạn đọc. Các bài viết của Trà trên website luatcongty.vn là những kiến thức mà Trà muốn chia sẻ đến mọi người

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.83129 sec| 1007.742 kb