Khả năng phân biệt của nhãn hiệu: luật pháp và những vấn đề

Bởi Phạm Thị Yến Nhi - 17/07/2020
view 278
comment-forum-solid 0

Điều 796 Bộ luật dân sự Việt Nam định nghĩa: “Nhãn hiệu hàng hóa là những dấu hiệu dùng để phân biệt các hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hóa có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc”.

Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198

Nhãn hiệu không có khả năng phân biệt

Với văn phong pháp lý, từ khóa (keyword) thứ nhất trong định nghĩa trên là danh từ “dấu hiệu”. Vế thứ hai của định nghĩa nêu rằng: dấu hiệu có thể là từ ngữ (Phong Phú, Đức Phát…), có thể là hình ảnh (con mèo đen của thuốc lá Bến Thành, cặp bò húc nhau của Red Bull), có thể là sự kết hợp của cả hai yếu tố đó (vừa từ ngữ, vừa hình ảnh như Nike + hình chữ V đỏ cách điệu).

Từ khóa thứ hai trong định nghĩa trên là động từ “phân biệt”. Sự phân biệt tất nhiên phải đặt cơ sở trên quá trình nhận biết, mà một quá trình nhận biết lại có thể phát triển qua nhiều bước: từ chỗ chỉ nghe qua/ thấy qua về nhãn hiệu như qua truyền miệng (words of mouth), đến chú ý vào một thông điệp quảng cáo hoặc sự hiện diện của nhãn hiệu trên quầy siêu thị bên cạnh hàng loạt nhãn hiệu cạnh tranh, rồi bị thuyết phục bởi người bán hàng về các ưu điểm của sản phẩm mang nhãn hiệu cùng sự thỏa đáng của giá cả, tới mức ra quyết định chọn mua và cuối dùng là sử dụng/tiêu dùng sản phẩm mang nhãn. Mỗi bước của quá trình nhận biết đó đều có thể làm nảy sinh các nhận xét, đánh giá của khách hàng về nhãn hiệu; và số lượng các nhận xét, đánh giá đó cũng như độ chính xác của chúng có khuynh hướng tăng dần khi khách hàng càng đi dần đến những bước sau của quá trình nhận biết.

Đặc biệt, số lượng và độ chính xác của các nhận xét, đánh giá về một nhãn hiệu sẽ càng tăng lên khi mật độ thông tin về các nhãn hiệu cạnh tranh tác động lên khách hàng càng dày đặc, thể hiện dưới hai khía cạnh: khía cạnh lý tính, liên quan đến thành phần, tính năng, công dụng, kiểu dáng… hoặc sự thỏa đáng của giá cả; khía cạnh cảm tính, liên quan đến các nhu cầu và phản ứng tâm lý của khách hàng khi chọn mua và sử dụng nhãn hiệu như: khơi gợi được các cảm giác dễ chịu, thể hiện được vai trò/thành phần xã hội, diễn đạt được hành vi giao tiếp… Chỉ trên cơ sở các nhận xét, đánh giá và so sánh đó của khách hàng, mỗi nhãn hiệu mới thật sự xuất hiện một “khả năng phân biệt” đầy đủ của mình.

Theo đó, bản chất quá trình phân biệt một nhãn hiệu này với một nhãn hiệu khác (vốn là động cơ thúc đẩy hành vi mua và mua lại) trong con mắt của khách hàng luôn bao gồm ba khía cạnh: phân biệt về mặt biểu tượng, đặt cơ sở trên độ khác biệt của bản thân nhãn hiệu ở khía cạnh hình họa (device brand), ngữ âm (brand name), hoặc ngữ nghĩa ban đầu (primary meaning); phân biệt về mặt lý tính, đặt cơ sở trên chất lượng cảm thụ của nhãn hiệu (brand perceived quality), tức mức độ cảm nhận về sự khác biệt hoặc sự ưu trội về chất lượng của sản phẩm mang nhãn so với mục đích tiêu dùng hoặc/và so với các sản phẩm mang nhãn hiệu cạnh tranh; phân biệt về mặt cảm tính, đặt cơ sở trên các ấn tượng liên kết của nhãn hiệu (brand associations), là các liên tưởng do nhãn hiệu gợi ta còn đọng lại được trong ký ức của khách hàng.

Khi một nhãn hiệu vừa được lăng-xê, sự nhận biết và khả năng phân biệt của một nhãn hiệu rõ ràng được dựa chủ yếu trên khía cạnh biểu tượng (symbolism), bao hàm các yếu tố hình họa, màu sắc, ngữ âm và ngữ nghĩa ban đầu (nếu có). Khi này, nếu được nộp đơn đăng ký bảo hộ độc quyền, nhãn hiệu sẽ được cơ quan quốc gia có thẩm quyền xem xét (tại nước ta, trước đây là Cục Sở hữu Công nghiệp thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và tại thời điểm này, chức năng này đang chuyển giao cho một cơ quan khác thuộc Bộ Thương mại). Theo ngôn ngữ chuyên môn, đây là hoạt động xét nghiệm nội dung đối với Đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Một cách đại cương, trong quá trình này, trước hết, cơ quan xét nghiệm sẽ xác định xem nhãn hiệu nộp đơn đăng ký có thuộc loại các dấu hiệu bị loại trừ (không được chấp nhận đăng ký) theo quy định của pháp luật hay không (từ ngữ mang tính mô tả sản phẩm, tên danh nhân, biểu tượng của các tổ chức…)? Nếu không, họ sẽ tiến hành phân nhóm nhãn hiệu xin đăng ký, cụ thể là xem nhãn hiệu được sử dụng cho các nhóm sản phẩm (hàng hóa, dịch vụ) nào? Sau đó, họ sẽ đối chiếu nhãn hiệu trong đơn được nộp với: 1/ tất cả các nhãn hiệu đối chứng: là các nhãn hiệu thuộc về các văn bằng độc quyền đã được cấp và các đơn đã nộp đến trước đó (các đơn có ngày ưu tiên sớm hơn) trong các nhóm sản phẩm trùng lắp hoặc có liên quan; 2/ các dấu hiệu đã được xác lập là các quyền sở hữu trí tuệ khác như quyền tác giả, tên thương mại (bao hàm thương hiệu)… trong phạm vi mà cơ quan quốc gia về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa có thể truy cập được. Cuối cùng, nếu nhãn hiệu có yêu cầu đăng ký bảo hộ không bị coi là trùng lặp hoặc có khả năng gây nhầm lẫn với các dấu hiệu loại trừ, các nhãn hiệu đối chứng, các đối tượng sở hữu trí tuệ khác… văn bằng độc quyền sẽ được cấp. Luật Việt Nam hiện cấp ba (3) loại văn bằng độc quyền về nhãn hiệu là: Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa (cấp cho các đơn đăng ký nộp trực tiếp đến cơ quan cấp văn bằng), Quyết định chấp nhận đơn đăng ký quốc tế (dành cho các đơn nộp đến Việt Nam theo thủ tục đăng ký quốc tế) và Quyết định công nhận nhãn hiệu nổi tiếng.

Pháp luật về khả năng đăng ký nhãn hiệu

Theo điều 4 Luật sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Tuy nhiên, có những trường hợp nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Hình và hình hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng, trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu; Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hoá, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến; Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hoá, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu; Dấu hiệu mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh; Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu hoặc được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận quy định tại Luật này; Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên; Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm, trừ trường hợp hiệu lực bị chấm dứt vì lý do nhãn hiệu không được sử dụng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 của Luật này; Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng; Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ; Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hoá; Dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý hoặc có chứa chỉ dẫn địa lý hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cho rượu vang, rượu mạnh nếu dấu hiệu được đăng ký để sử dụng cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó; Dấu hiệu trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp của người khác được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn so với ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.
Phạm Thị Yến Nhi

Phạm Thị Yến Nhi

https://luatcongty.vn Phạm Thị Yến Nhi một cô gái nhiệt tình, vui vẻ và yêu đời. Có niềm đam mê với việc viết lách, thích tìm hiểu, phân tích các vấn đề pháp lý khác nhau để tạo thêm nhiều giá trị cho bản thân. Vì vậy rất mong muốn được chia sẽ những kiến thức mà mình học hỏi và tìm hiểu đến bạn đọc. Các bài viết của Yến Nhi trên website luatcongty.vn là những kiến thức mà Nhi muốn chia sẻ đến mọi người

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.45531 sec| 1003.953 kb