Để xác định được khi nào thì nên lựa chọn bảo hộ dưới dạng sáng chế, khi nào thì nên bảo hộ Bí mật kinh doanh và bảo hộ theo cách nào thì có lợi hơn lại là vấn đề mà chúng ta cần phải xem xét, cân nhắc.
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Để được cấp một bằng sáng chế, đòi hỏi giải pháp kỹ thuật đó phải đáp ứng các điều kiện như: Có tính mới, có tính sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp. Như vậy, không phải đối tượng nào cũng có thể bảo hộ với danh nghĩa sáng chế, chẳng hạn: cách thức thể hiện thông tin, giải pháp chỉ mang tính thẩm mỹ, hay như các quy trình sản xuất thực vật, động vật chỉ mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh…
Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền và hiệu lực cuả bằng sáng chế là 20 năm. Bằng sáng chế không cấp cho những ý tưởng mơ hồ mà chỉ cấp cho những giải pháp kỹ thuật được trình bày cụ thể, chi tiết. Người yêu cầu cấp bằng sáng chế phải công bố trước công chúng một cách chi tiết những bí quyết kỹ thuật và phải nêu rõ phạm vi bảo hộ hợp lý.
Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộ lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Để được bảo hộ theo dạng bí mật kinh doanh, cần đáp ứng các điều kiện sau:
(i) Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được; (ii) Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó; (iii) Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
Về lý thuyết, bí mật kinh doanh được bảo hộ vô thời hạn và không cần làm thủ tục đăng ký.
Có nhiều người muốn làm đơn đăng ký bảo hộ sáng chế nhưng lại không muốn bộc lộ bí quyết kỹ thuật bởi họ lo sợ nếu nói ra thì có thể bị người khác lấy ngay lập tức. Nhưng nếu không bộc lộ thông tin một cách chi tiết thì không được cấp bằng sáng chế. Vậy họ sẽ bảo hộ bằng cách nào?
Trong trường hợp này, có thể bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, bảo hộ bí mật kinh doanh không đơn giản. Muốn bảo hộ bí mật kinh doanh phải tìm những biện pháp cần thiết để hạn chế việc phổ biến thông tin. Chẳng hạn như: Phải hạn chế sự ra vào nơi làm việc; tránh sự tiếp cận với các tài liệu, thông tin bí mật; hạn chế nghiêm ngặt số lượng người có thể tiếp cận các thông tin cạnh tranh quan trọng; phải giáo dục nhân viên chủ chốt và phải giám sát rất kỹ các buổi thuyết trình, giới thiệu sản phẩm… Việc bảo hộ bí mật kinh doanh rất tốn kém và phần lớn phải dưạ vào các cơ quan pháp luật.
Vì sợ bộc lộ thông tin, nhiều sản phẩm đã không bao giờ xuất hiện, nhất là những sản phẩm có vốn đầu tư lớn, bởi khi sản phẩm được bán ra thị trường, các đối thủ cạnh tranh có thể dễ dàng bắt chước. Nhưng nếu cứ giữ bí mật mãi những sáng chế đó thì những sáng chế không được công bố này sẽ bị mai một đi. Chính vì vậy, nhiều công ty lớn, người ta chỉ bảo hộ dưới hình thức bí mật kinh doanh khi mà không thể xin cấp được bằng sáng chế. Theo họ, nếu không có bằng sáng chế thì không thể có sự phát triển công nghệ và không thúc đẩy sự sáng tạo của con người.
Việc lưạ chọn bảo hộ theo cách nào tùy thuộc vào mỗi người nhưng trước khi quyết định hình thức bảo hộ cần cân nhắc đến hiệu quả cuả mỗi hình thức, đồng thời phải kiểm tra xem giải pháp kỹ thuật có đáp ứng điều kiện bảo hộ hay không. Theo hình thức sáng chế thì chủ sở hữu có quyền độc quyền tối cao trong việc sử dụng sáng chế cuả mình trong vòng 20 năm, nhưng đổi lại họ phải công bố bí quyết cuả mình để mọi người có thể hiểu và học hỏi được từ những giải pháp kỹ thuật đó. Sau thời hạn bảo hộ, bất cứ ai cũng có quyền sử dụng. Còn bảo hộ bí mật kinh doanh thì vô thời hạn, nhưng nếu chủ sở hữu không tìm biện pháp bảo vệ thì bí mật đó sẽ không còn là bí mật nữa.
Xem thêm: Thủ tục đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích thực hiện thế nào?
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm