Nguyên tắc đàm phán trong hợp đồng đối với doanh nghiệp

Bởi Phạm Thị Yến Nhi - 23/08/2020
view 727
comment-forum-solid 0

Ba yếu tố cấu thành nên một hợp đồng trong khoa học pháp lý Việt Nam từ thời Pháp thuộc đến nay và phân tích ba nguyên tắc cơ bản trong pháp luật hợp đồng Việt Nam đương đại qua đó tìm hiểu sự thay đổi về tư duy lập pháp cũng như một số ưu điểm và hạn chế của chúng.

Nguyên tắc Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198

Nguyên tắc tự do ý chí hay tự do hợp đồng

Nguyên tắc tự do ý chí trong pháp luật hợp đồng được hiểu là các bên được tự do giao kết hợp đồng hay thỏa thuận về việc xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự theo ý chí của mình miễn là nó không trái với trật tự công cộng. Nguyên tắc này khi chiếu vào việc thực hiện nghĩa vụ dân sự phát sinh từ hợp đồng lại mang một sắc thái khác, làm phát sinh một tiểu nguyên tắc là nguyên tắc hiệu lực ràng buộc của hợp đồng.
Theo Vũ Văn Mẫu, nguyên tắc tự do ý chí trong luật hợp đồng là một sản phẩm lịch sử của các lý thuyết về tự do thế kỷ 18, ảnh hưởng mạnh mẽ đến các BLDS của Pháp và Đức, gián tiếp ảnh hưởng tới pháp luật hợp đồng của Việt Nam. Lý thuyết này ủng hộ tự do ý chí vô giới hạn vì tin rằng sự tự do thương lượng giữa các cá nhân với nhau để ràng buộc chính mình sẽ mang lại công bằng và sự tự do cạnh tranh sẽ mang lại sự thịnh vượng về kinh tế, đã dẫn tới hệ quả là coi hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương là một nguồn gốc quan trọng của nghĩa vụ (đề cao nghĩa vụ dân sự thay vì nghĩa vụ pháp định) vì nó đến từ chính ý chí của chủ thể bị ràng buộc. Đó cũng là hai căn cứ phát sinh nghĩa vụ đầu tiên trong BLDS Việt Nam năm 2015 tại Điều 275.
Một người có quyền tự do giao kết hợp đồng, nghĩa là tự do quyết định mình sẽ bị ràng buộc như thế nào. Và một khi đã tuyên bố ý chí về sự tự ràng buộc thì người đó không còn được tự do thực hiện nghĩa vụ nữa, mà sẽ bị cưỡng chế thực hiện. Hiệu lực ràng buộc của hợp đồng còn được gọi dưới cái tên Latin pacta sunt servanda, được hiểu đơn giản là “cam kết phải được tôn trọng”. Điều 3 BLDS Việt Nam năm 2015 quy định về nguyên tắc tự do ý chí như sau: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.

Lý thuyết tự do ý chí với tư tưởng tự do cá nhân vô giới hạn không thể điều chỉnh các mối quan hệ xã hội một cách công bằng khi mà con người sống quá phụ thuộc vào nhau với nhiều mối quan hệ phức tạp đan xen lẫn nhau. Để giải quyết vấn đề giữa cá nhân và cộng đồng, cần phải dung hòa hai thuyết tự do và thuyết xã hội bằng cách tôn trọng quyền tự do giao kết hợp đồng và chỉ giới hạn sự tự do này bởi những nguyên nhân chính đáng mà tiêu biểu là trật tự công cộng và đạo đức xã hội.

Ba lý do của sự giới hạn tự do ý chí: nhu cầu cân đối giữa lợi ích cá nhân và lợi ích công cộng, nhu cầu bảo vệ người yếu thế trong xã hội, và nhu cầu phát triển kinh tế có trật tự đúng hướng theo sự lựa chọn chung. Nếu như hai nhu cầu đầu tiên đã được thừa nhận rộng rãi bởi pháp luật nhân quyền trong sự giới hạn tự do, thì nhu cầu thứ ba về phát triển kinh tế có trật tự và theo sự lựa chọn chung có lẽ vẫn còn nhiều tranh cãi, vì chúng ta mới bước ra khỏi một nền kinh tế kế hoạch khoảng 30 năm và đang xây dựng kinh tế thị trường.

Hạn chế tự do hợp đồng có thể xem xét dưới hai khía cạnh là hạn chế về nội dung giao kết và chủ thể giao kết. Hạn chế tự do giao kết hợp đồng về nội dung là dạng hạn chế điển hình nhất, thể hiện rõ nhất qua chế định về vô hiệu giao dịch dân sự do xâm phạm trật tự công cộng và đạo đức xã hội.
Trong BLDS năm 2015, Điều 122 về Giao dịch dân sự vô hiệu dẫn chiếu về Điều 117 Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, ở điểm c khoản 1 nêu “Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”. Ở đây đã có sự biến chuyển về quan niệm khi xóa bỏ nguyên tắc về giao kết hợp đồng ở Điều 389 BLDS năm 2005 “Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”; và thay thế bằng nguyên tắc “không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội” ở Điều 3 và sự thể hiện nguyên tắc ở Điều 117 của BLDS năm 2015. Trong luật tư, từ “trái” pháp luật có nội hàm rộng hơn “vi phạm điều cấm của luật” bởi không phải quy phạm luật tư nào cũng là quy phạm mệnh lệnh mà phần lớn là quy phạm dự liệu, đặc biệt là trong chế định hợp đồng.
BLDS năm 2015 không sử dụng “trật tự công cộng” để làm căn cứ giới hạn quyền ở trong những nguyên tắc cơ bản, có lẽ do nghi ngại tính trừu tượng của nó, và chỉ sử dụng nó với nghĩa rất hẹp, không biết vô tình hay có chủ đích ở Điều 525 về việc hành khách trong hợp đồng vận chuyển làm mất trật tự công cộng.

Nguyên tắc thiện chí

“Thiện chí” bắt nguồn từ thuật ngữ Latin “bona fide”, trong tiếng Anh là “good faith”, là thuật ngữ trừu tượng và chỉ được làm rõ nghĩa khi gắn chặt với hoàn cảnh cụ thể của một ứng xử cụ thể. Thiện chí không được định nghĩa bởi luật, mang nghĩa về mặt luân lý nhiều hơn với liên hệ gần gũi về sự trung thực, không có sự ác ý hay tư lợi bất chính.
Điều 6 BLDS năm 2005 quy định về nguyên tắc thiện chí như sau: “Trong quan hệ dân sự, các bên phải thiện chí, trung thực trong việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, không bên nào được lừa dối bên nào”. Điều 3 BLDS năm 2015 đã lược bớt đoạn “không bên nào được lừa dối bên nào” ra khỏi nguyên tắc thiện chí: “Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực”.
Theo Ngô Huy Cương, nguyên tắc thiện chí ở BLDS năm 2005 nhấn mạnh về yếu tố phi lừa dối của sự thiện chí, tức là cách thức hành xử chứ không nhấn mạnh vào động cơ hay mục đích của hành vi. Ông cũng đưa ra nhận xét mà có thể áp dụng cho cả quy định mới của BLDS năm 2015 về nguyên tắc thiện chí rằng, nguyên tắc này chưa đủ lớn khi không đề cập tới thiện chí trong giải quyết tranh chấp và trong một số trường hợp đặc biệt khác. Sự bổ sung thêm vào nguyên tắc rằng giai đoạn chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự, các bên cũng phải tuân thủ nghĩa vụ thiện chí có thể coi là một nỗ lực khái quát hóa thiện chí cho tất cả các giai đoạn của một hợp đồng, nhưng không nhắc đến thiện chí trong việc giải quyết tranh chấp mà bao gồm nhiều phương thức khác nhau từ thương lượng, hòa giải đặc biệt cần sự thiện chí, đến trọng tài, tòa án thì vẫn còn thiếu sót.
Vì nội hàm của thuật ngữ “thiện chí” không rõ ràng, cần phải giải nghĩa trong những trường hợp cụ thể nên việc xác định nội dung của nguyên tắc thiện chí cần phải được giao cho tòa án. Ngày nay các tòa án ở Hoa Kỳ có khuynh hướng tiếp cận học thuyết về sự thiện chí theo hai khía cạnh về sự công bằng và khía cạnh kinh tế học. Tương đồng như vậy, Vũ Văn Mẫu nhận xét rằng, một sự thi hành thành ý không thể trái với sự công bằng. Còn về mặt kinh tế, khi sự thi hành quá thiệt cho trái chủ và quá lợi cho người thụ trái thì bị coi là không thành ý.

Nguyên tắc áp dụng tập quán

Nguyên tắc này trong khoa học pháp lý được một số học giả đề cập như là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật hợp đồng nói riêng và pháp luật dân sự nói chung[42]. Một nền pháp luật theo hệ thống dân luật thường có hai nguồn cơ bản là luật thành văn và tập quán pháp. BLDS Việt Nam đặt thứ tự ưu tiên áp dụng của tập quán chỉ sau thỏa thuận của các bên và luật thành văn. Tập quán đóng vai trò quan trọng trong việc bổ khuyết những khoảng trống hay giải thích những vấn đề chưa rõ ràng của hợp đồng, nếu pháp luật thực định cũng không có giải pháp cho vấn đề đó.
Định nghĩa về tập quán trong BLDS 2015 (Điều 5 khoản 1) nêu ra ba đặc điểm chính yếu của tập quán, đó là có nội dung rõ ràng đủ để xác định quyền và nghĩa vụ của chủ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài và được mọi người cùng thừa nhận như là những quy tắc ràng buộc. Hai điều kiện để áp dụng tập quán (Điều 5 khoản 2) là: (1) thiếu vắng giải pháp cho vấn đề pháp lý từ các nguồn gốc nghĩa vụ có tính ưu tiên cao hơn là sự thỏa thuận và quy định pháp luật; (2) tập quán không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Có lẽ chính vì yếu tố (2) nên nhà làm luật Việt Nam đã không xếp quy định áp dụng tập quán vào những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật hay của pháp luật dân sự nói chung.
Quy định chung về áp dụng tập quán tuy đã được công nhận từ lâu nhưng vấn đề chính yếu của nguyên tắc này là cụ thể hóa nó. Sự áp dụng tập quán có đặc điểm khác biệt đặc thù với các áp dụng các nguồn pháp luật khác như luật và án lệ, bởi lẽ nó không “thành văn” cả về nghĩa pháp lý và nghĩa thông dụng. Tập quán có khi không được ghi nhận trong một văn bản nào cả mà chỉ là một quy tắc được nhiều người ngầm định tuân thủ. Trong một tranh chấp cần viện đến tập quán tất yếu sẽ xuất hiện vấn đề chứng minh tập quán. Như vậy cần có những quy định chi tiết để hướng dẫn các tòa án trong việc đánh giá tính xác thực của những quy phạm được các bên viện dẫn xem chúng có đáp ứng đủ điều kiện của một tập quán hay không, bên nào có nghĩa vụ chứng minh tập quán, v.v..

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.
Phạm Thị Yến Nhi

Phạm Thị Yến Nhi

https://luatcongty.vn Phạm Thị Yến Nhi một cô gái nhiệt tình, vui vẻ và yêu đời. Có niềm đam mê với việc viết lách, thích tìm hiểu, phân tích các vấn đề pháp lý khác nhau để tạo thêm nhiều giá trị cho bản thân. Vì vậy rất mong muốn được chia sẽ những kiến thức mà mình học hỏi và tìm hiểu đến bạn đọc. Các bài viết của Yến Nhi trên website luatcongty.vn là những kiến thức mà Nhi muốn chia sẻ đến mọi người

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.52060 sec| 1007.695 kb