Những lưu ý khi thẩm định số liệu quyết toán chi ngân sách trung ương

Bởi Cao Bích Tuyền - 02/08/2020
view 262
comment-forum-solid 0

Kho bạc nhà nước (KBNN) có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị quản lý chuyên ngành của Bộ Tài chính thẩm định quyết toán chi ngân sách nhà nước (NSNN) của các Bộ, cơ quan trung ương. Một số nội dung cần lưu ý khi thẩm định số liệu quyết toán chi NSNN cần lưu ý như sau.

Những lưu ý khi thẩm định số liệu quyết toán chi ngân sách trung ương Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198

Số liệu quyết toán chi NSNN phải đảm bảo cân đối về nguồn và cân đối về tiền

Đây là nguyên tắc quan trọng và xuyên suốt, từ số liệu tổng hợp của ngân sách quốc gia, số liệu tổng hợp của ngân sách các cấp, số liệu tổng hợp của đơn vị dự toán cấp I hay đối với số liệu chi tiết của từng đơn vị sử dụng ngân sách.

Nguyên tắc cân đối về nguồn: Tổng nguồn kinh phí đơn vị đã nhận được bằng với tổng nguồn kinh phí đơn vị đã sử dụng và còn lại, cụ thể:

Nguồn kinh phí năm trước chuyển sang + Nguồn kinh phí từ dự toán được giao của năm ngân sách = Nguồn kinh phí đơn vị quyết toán vào năm ngân sách hiện hành + Nguồn kinh phí giảm trong năm + Nguồn kinh phí được chuyển sang năm sau.

Nguyên tắc cân đối về tiền: Tổng số tiền đơn vị đã nhận được bằng với tổng số tiền đơn vị đã sử dụng và còn lại, cụ thể:

Số dư tạm ứng năm trước chuyển sang + Kinh phí (số tiền) thực nhận trong năm = Kinh phí quyết toán + Kinh phí (số tiền) đã nộp NSNN + Kinh phí (số tiền) còn phải nộp NSNN + Số dư tạm ứng được chuyển sang năm sau.

Trong quá trình thẩm định, trường hợp số liệu tại Báo cáo quyết toán NSNN của đơn vị không đảm bảo 2 nguyên tắc cân đối nêu trên, khi đó có thể khẳng định số liệu tại Báo cáo quyết toán NSNN của đơn vị là không chính xác. KBNN phối hợp với đơn vị quản lý chuyên ngành yêu cầu đơn vị kiểm tra, đối chiếu số liệu và báo cáo rõ nguyên nhân chênh lệch số liệu.

Thẩm định một số chỉ tiêu quyết toán chi NSNN của đơn vị dự toán cấp I

Số chuyển nguồn NSNN từ năm trước chuyển sang

Căn cứ tổng hợp quyết toán NSNN đối với số liệu chuyển nguồn từ năm trước chuyển sang là số liệu tại Thông báo thẩm định quyết toán năm trước đã được Bộ Tài chính phê duyệt.

Vì vậy, cần so sánh, đối chiếu số liệu giữa Thông báo thẩm định quyết toán NSNN năm trước đã được Bộ Tài chính phê duyệt với số liệu tại dự thảo Thông báo thẩm định quyết toán ngân sách năm hiện hành.

Dự toán NSNN được giao trong năm

Dự toán đầu năm: Căn cứ tổng hợp số liệu quyết toán NSNN là dự toán Quốc hội phê chuẩn. Vì vậy, cần đối chiếu số liệu giữa dự toán Quốc hội phê chuẩn với số liệu tại dự thảo Thông báo thẩm định quyết toán ngân sách năm hiện hành. Trong đó lưu ý trường hợp: Dự toán chi thường xuyên vốn ngoài nước thực hiện rút dự toán như cơ chế vốn trong nước thì phải tổng hợp vào dự toán chi thường xuyên vốn trong nước được giao.

Dự toán bổ sung trong năm: Căn cứ số liệu tổng hợp dự toán bổ sung trong năm của Vụ NSNN tổng hợp theo quy định.

Kinh phí NSNN thực nhận trong năm

Là tổng số kinh phí đơn vị đã rút dự toán trong năm và kinh phí đơn vị được cấp bằng lệnh chi tiền.

Kinh phí rút dự toán trong năm cần kiểm tra, đối chiếu số liệu do KBNN kết xuất từ hệ thống TABMIS với số liệu của KBNN nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch cung cấp.

Hiện nay, số liệu KBNN kết xuất từ hệ thống TABMIS không tách riêng được số kinh phí đơn vị đã rút dự toán từ năm trước chuyển sang (số dư tạm ứng từ năm trước chuyển sang) so với số kinh phí đơn vị đã rút dự toán trong năm ngân sách. Do đó công tác đối chiếu của KBNN về số liệu quyết toán của đơn vị dự toán cấp I gặp nhiều khó khăn.

Số liệu xác nhận của KBNN nơi đơn vị giao dịch: Theo quy định, các đơn vị phải có bản xác nhận của KBNN nơi giao dịch về số đã rút dự toán trong năm. Căn cứ xác nhận của KBNN nơi giao dịch, đối chiếu với số liệu của KBNN trên hệ thống TABMIS để xác định kinh phí NSNN thực nhận trong năm.

Kinh phí NSNN chuyển sang năm sau

Theo quy định của Luật NSNN năm 2015, các khoản dự toán chi, bao gồm cả các khoản bổ sung trong năm, đến hết năm ngân sách (kể cả thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách theo quy định) nếu chưa thực hiện được hoặc chưa chi hết phải hủy bỏ, trừ một số khoản chi được chuyển nguồn sang năm sau để thực hiện và hạch toán quyết toán vào ngân sách năm sau.

Các khoản chi được KBNN đương nhiên chuyển nguồn sang ngân sách năm sau được quy định cụ thể tại Khoản 3, Điều 64 Luật NSNN năm 2015. Quy định mới này nhằm hạn chế việc chuyển nguồn tùy tiện, đảm bảo quản lý NSNN chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Nguyên tắc xử lý chênh lệch số liệu giữa KBNN và đơn vị sử dụng ngân sách

Khi thẩm định quyết toán NSNN của các Bộ, cơ quan trung ương, nếu có chênh lệch giữa số liệu báo cáo của đơn vị dự toán cấp I, số liệu xác nhận của KBNN nơi đơn vị giao dịch và số liệu trên hệ thống TABMIS thì cần xác định nguyên nhân chênh lệch để có hướng xử lý phù hợp.

Một số tình huống thường xảy ra chênh lệch số liệu và cách thức xử lý cụ thể như sau:

Chênh lệch giữa số liệu báo cáo của các Bộ, cơ quan trung ương và số liệu trên hệ thống TABMIS: Số liệu báo cáo của Bộ, cơ quan trung ương không chính xác: Do các Bộ, cơ quan trung ương là đơn vị dự toán cấp I, được tổng hợp từ rất nhiều báo cáo của đơn vị sử dụng ngân sách. Số liệu báo cáo của các đơn vị sử dụng ngân sách không thống nhất nhau, không chính xác so với số liệu của hệ thống TABMIS, đơn vị dự toán cấp I khi tổng hợp không kiểm tra, đối chiếu và không phát hiện sai sót dẫn đến số liệu tổng hợp sai.

Hướng xử lý cho vấn đề nêu trên là: Căn cứ số liệu trên hệ thống TABMIS để các Bộ, cơ quan trung ương điều chỉnh số liệu.

Ví dụ: Bộ A tổng hợp dự toán được giao trong năm 2020 là 100 triệu đồng, thấp hơn số liệu trên hệ thống TABMIS là 110 triệu đồng. Số liệu không khớp do: Để thực hiện thu hồi 10 triệu đồng kinh phí do cơ quan Kiểm toán Nhà nước kiến nghị nộp NSNN từ năm 2019, cơ quan tài chính đã thực hiện thu hồi 10 triệu đồng bằng cách giảm trừ dự toán năm 2020 của đơn vị (tổng dự toán được giao trên quyết định vẫn là 110 triệu đồng).

Bộ A khi tổng hợp số dự toán được giao trong năm 2020 chỉ tổng hợp 100 triệu đồng, không tổng hợp khoản kinh phí giao dự toán nhưng bị thu hồi cho NSNN 10 triệu đồng, do đó thấp hơn so với số liệu trên hệ thống TABMIS.

Do vậy để xử lý cần điều chỉnh số liệu của Bộ A khớp đúng với số liệu trên hệ thống TABMIS.

Số liệu trên hệ thống TABMIS không chính xác: Do cán bộ khi nhập số liệu vào TABMIS bị nhầm năm ngân sách.

Ví dụ: Năm 2020 Bộ B được ứng trước dự toán để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng chưa được bố trí trong dự toán 2020. Đến cuối năm 2020, Bộ Tài chính có thông báo bổ sung dự toán năm 2021 để thu hồi kinh phí đã ứng trước cho Bộ B. Do thông báo của Bộ Tài chính ban hành năm 2020, cán bộ khi vào TABMIS đã nhập dự toán ngân sách năm 2020(không chính xác). Dự toán giao cho Bộ B là năm 2021 để thu hồi kinh phí đã ứng trước trong năm 2020.

Hướng xử lý: Số liệu quyết toán 2020 căn cứ vào báo cáo của Bộ B, đồng thời phải điều chỉnh số liệu trên hệ thống TABMIS khớp đúng với số liệu báo cáo của Bộ B.

Số liệu chênh lệch giữa xác nhận của KBNN nơi đơn vị giao dịch và số liệu trên hệ thống TABMIS:

Kết thúc năm ngân sách, sau thời điểm chỉnh lý quyết toán NSNN 31/01/2021, các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện đối chiếu số liệu với KBNN nơi đơn vị giao dịch và gửi đơn vị dự toán cấp trên tổng hợp.

Báo cáo tổng hợp của đơn vị dự toán cấp I căn cứ xác nhận của KBNN giao dịch để tổng hợp quyết toán NSNN năm 2020.

Tuy nhiên, một số trường hợp, sau thời hạn xét chuyển nguồn 01/3 năm tới cơ quan tài chính vẫn cho phép đơn vị dự toán cấp I được phép chuyển nguồn sang năm sau đối với một số nhiệm vụ đơn vị đang thực hiện dở dang. Việc xét chuyển nguồn như vậy đã quá thời hạn so với quy định.

Căn cứ thông báo của cơ quan tài chính, KBNN giao dịch đã hạch toán bổ sung kinh phí chuyển nguồn sang năm sau cho đơn vị, do đó số liệu trên hệ thống TABMIS thay đổi so với số liệu KBNN giao dịch xác nhận với đơn vị sử dụng ngân sách. Tuy nhiên, đơn vị sử dụng ngân sách không xác nhận lại số liệu và nộp lại cho đơn vị dự toán cấp trên tổng hợp.

Mặc dù, số liệu trên hệ thống TABMIS đã được cập nhật nhưng số liệu báo cáo của đơn vị dự toán cấp I vẫn tổng hợp trên số liệu cũ, dẫn đến chênh lệch so với số liệu trên hệ thống TABMIS.

Hướng xử lý: Điều chỉnh số liệu của đơn vị dự toán cấp I khớp đúng với số liệu trên hệ thống TABMIS.

Công tác lập, tổng hợp quyết toán NSNN là một nhiệm vụ mới của hệ thống KBNN. Việc thực hiện thành công công tác quyết toán NSNN là tiền đề để KBNN phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện tốt một trong các khâu quan trọng của chu trình ngân sách, nâng cao ý nghĩa của công tác quyết toán NSNN, từ đó hoàn thiện công tác quản lý NSNN, đảm bảo giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, góp phần quản lý nguồn lực tài chính nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả.

Xem thêm:

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.
Cao Bích Tuyền

Cao Bích Tuyền

https://luatcongty.vn Cao Bích Tuyền là sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng. Hiện tại Bích Tuyền đang là content editor của website luatcongty.vn

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.72206 sec| 1008.016 kb