Quản trị tài sản sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp?

view 312
comment-forum-solid 0

Cũng như nhiều lĩnh vực khác, quản trị tài sản trí tuệ là một trong những hoạt động mà các doanh nghiệp cần hết sức quan tâm, nhất là trong điều kiện nền kinh tế tri thức và hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Tài sản Sở hữu trí tuệ Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Hoài Thương – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ khi tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thì ít hay nhiều đều liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:

1) "Tên thương mại" (theo Luật Doanh nghiệp còn được hiểu là tên doanh nghiệp đăng ký kinh doanh) được hình thành và bảo hộ khi doanh nghiệp sử dụng thực tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà không cần đăng ký bảo hộ.

2) "Bí mật kinh doanh" (bí quyết kỹ thuật và bí mật thương mại) hầu như doanh nghiệp nào cũng có, vấn đề đặt ra là các thông tin đó có được bảo mật bằng các biện pháp hữu hiệu hay không để được hưởng quyền sở hữu công nghiệp theo Luật Sở hữu trí tuệ.

Với các đối tượng khác như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu doanh nghiệp phải đăng ký với nhà nước và đáp ứng được các tiêu chí thì mới được bảo hộ. Rõ ràng việc đầu tư để tạo dựng, đăng ký, sử dụng, phát triển và bảo vệ các tài sản trí tuệ (hay còn được gọi là quản trị) là hết sức cần thiết đối với bất cứ một doanh nghiệp nào, nhất là khi các tài sản trí tuệ ngày càng trở lên quan trọng đối với mỗi nền kinh tế và doanh nghiệp trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay. Vấn đề đặt ra, việc quản trị các tài sản trí tuệ được thực hiện như thế nào, làm cách nào để có hiệu quả nhất giúp nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đó là những nội dung mà doanh nghiệp cần quan tâm.

Các tài sản sở hữu trí tuệ hiện có trong doanh nghiệp

Việc đầu tiên của quản trị tài sản trí tuệ mà doanh nghiệp cần làm, đó là thống kê, đánh giá và phân loại các tài sản trí tuệ hiện có trong doanh nghiệp. Việc thống kê các tài sản trí tuệ cần được thực hiện dựa theo bản chất (nội hàm) và quy định của pháp luật đối với từng đối tượng.

Nếu tài sản trí tuệ là các đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp thì có thể thuộc một trong hai loại sau: (1) Đối tượng mà quyền sở hữu công nghiệp được xác lập không cần đăng ký Các đối tượng mà quyền sở hữu công nghiệp được xác lập không cần đăng ký, cụ thể như: tên thương mại, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu nổi tiếng; (2) Đối tượng mà quyền sở hữu công nghiệp chỉ được xác lập thông qua đăng ký, như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu.

Với tên thương mại và bí mật kinh doanh thì doanh nghiệp phải xem xét hiện trạng pháp lý của các đối tượng đó có thỏa mãn các tiêu chuẩn bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ không. Cụ thể, xem các tên thương mại hiện có của doanh nghiệp có đáp ứng được tính phân biệt giữa doanh nghiệp với các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực, địa bàn kinh doanh và đã được sử dụng trên thực tế chưa. Khi thỏa mãn hai điều kiện trên đây thì tên thương mại của doanh nghiệp sẽ được nhà nước bảo hộ.

Bí mật kinh doanh thì xem các thông tin liên quan đến bí quyết kỹ thuật (các know - how) hay bí mật về thương mại (phương án sản xuất, kinh doanh, danh sách khách hàng…) hiện có của doanh nghiệp có được bảo mật không. Nếu các thông tin đó đã và đang được doanh nghiệp bảo mật thì sẽ được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Với các đối tượng sở hữu công nghiệp quyền được xác lập thông qua đăng ký như đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu… thì doanh nghiệp cần xác định xem thực trạng các đối tượng đó ra sao: Hiện doanh nghiệp có bao nhiêu sáng chế, sáng chế nào đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền, sáng chế nào chưa đăng ký. Tương tự như vậy, cũng xác định xem doanh nghiệp có bao nhiêu nhãn hiệu, bao nhiêu kiểu dáng công nghiệp, cái nào đã đăng ký và cái nào chưa đăng ký.

Tiếp theo việc thống kê, đánh giá các đối tượng, doanh nghiệp cần thực hiện việc đăng ký các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu mà doanh nghiệp chưa đăng ký. Về nguyên tắc, nhà nước chỉ cấp một văn bằng bảo hộ cho sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hay nhãn hiệu nào thỏa mãn tiêu chuẩn bảo hộ nhưng nộp đơn sớm nhất (kể cả đơn của người nước ngoài).

Vì vậy khi thực hiện đăng ký, doanh nghiệp cần phải đánh giá khả năng bảo hộ từng đối tượng. Nếu đăng ký sáng chế, thì phải xem các sáng chế đó còn mới không (chưa bộc lộ ở đâu cả), có trình độ sáng tạo không (so với trình độ hiện tại đã biết thì sáng chế đó có bước tiến mới về mặt công nghệ không) và sáng chế có khả năng áp dụng không (tính khả thi). Với kiểu dáng công nghiệp cũng tương tự như sáng chế. Còn đối với nhãn hiệu, thì có phải là những dấu hiệu (chữ, hình, hay kết hợp cả hai) do doanh nghiệp tự đặt, tự thiết kế ra chứ không phải đi sao chép, đánh cắp của người khác và các dấu hiệu đó có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp khác.

Để đánh giá về tính mới của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hay khả năng phân biệt của nhãn hiệu, doanh nghiệp có thể thực hiện việc tra cứu các thông tin liên quan tại kho dữ liệu do Cục Sở hữu trí tuệ lưu giữ, trên internet… hoặc nhờ các chuyên gia giúp đỡ. Khi các thông tin liên quan có cơ sở khẳng định rằng các đối tượng trên có khả năng bảo hộ cao thì doanh nghiệp hãy tiến hành đăng ký và đăng ký càng nhanh càng tốt để dành ngày sớm nhất (ngày ưu tiên); còn nếu các thông tin cho thấy khả năng đăng ký là bất lợi vì khó lòng được bảo hộ thì không nên đăng ký vì chỉ thêm tốn tiền và mất thời gian mà thôi.

Quản trị tài sản Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198

Sử dụng có hiệu quả tài sản sở hữu trí tuệ

Khi các đối tượng sở hữu công nghiệp của doanh nghiệp đã được Nhà nước bảo hộ (được cấp bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hay có được tên thương mại, bí mật kinh doanh đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ) thì doanh nghiệp phải tổ chức việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các đối tượng đó nhằm bù đắp những chi phí nghiên cứu, đăng ký và rồi kiếm lời do cơ chế độc quyền mang lại. Nếu chỉ đăng ký không sử dụng hoặc sử dụng không có hiệu quả thì việc đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp trở nên vô nghĩa, thậm chí còn lãng phí, tốn kém không đáng có.

Việc sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có thể do chính doanh nghiệp thực hiện hoặc ủy quyền cho doanh nghiệp khác tiến hành dưới hình thức li xăng (bán quyền sử dụng) nhưng phải thông qua hợp đồng bằng văn bản (hợp đồng li xăng) để tránh trường hợp người nhận chiếm đoạt luôn đối tượng dẫn đến khó đòi. Tiếp đến, doanh nghiệp cần chủ động và phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chống lại những hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của mình, nhằm bảo vệ quyền đối với các tài sản trí tuệ được nhà nước bảo hộ.

Để thực hiện các công đoạn nhằm quản trị tốt các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp được phân tích trên đây, doanh nghiệp có thể tự làm trên cơ sở tổ chức bộ phận (chuyên gia) chuyên trách về sở hữu trí tuệ nhằm chủ động quản trị, hoặc thuê các văn phòng luật sư (luật sư) thực hiện quản trị thông qua hợp đồng thuê quản trị tài sản trí tuệ mà nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã triển khai có hiệu quả từ lâu.

Xem thêm: Nhãn hiệu khác với Logo như thế nào?

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.
Luật sư Nguyễn Hoài Thương

Luật sư Nguyễn Hoài Thương

https://everest.org.vn/luat-su-nguyen-hoai-thuong/ Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương được biết đến là một luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp, hợp đồng, thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương gia nhập Công ty Luật TNHH Everest từ năm 2016 đến nay.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.03688 sec| 1019.664 kb