Quyền hưởng dụng với doanh nghiệp Việt Nam

Bởi Phạm Thị Yến Nhi - 28/08/2020
view 234
comment-forum-solid 0

Quyền hưởng dụng được quy định từ Điều 257 đến Điều 266 tại Mục 2 Chương XIV về quyền khác đối với tài sản trong Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015. Điều 257 BLDS năm 2015 quy định: “Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định”. Quyền hưởng dụng được xác lập từ một trong ba căn cứ theo quy đinh tại Điều 58: “Quyền hưởng dụng được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc”.

Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 19006198

Quyền hưởng dụng là một vật quyền

Các quy định tại Điều 257 và Điều 258 BLDS năm 2015 không những tạo ra khả năng thực hiện các quyền dân sự của chủ sở hữu, mà còn là điều kiện cho các chủ thể không phải là chủ sở hữu khai thác tài sản. Quy định về quyền hưởng dụng là quy định đáp ứng được kịp thời nhu cầu của chủ thể và là một biện pháp tiết kiệm trong việc khai thác tài sản, mà không phải khi nào cũng phải thông qua các hợp đồng thuê, mượn; giảm được rất nhiều những chi phí về tài sản và thời gian. Chủ thể có quyền hưởng dụng khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức trên tài sản tương tự như chủ sở hữu, trong một thời hạn nhất định.
Quy định về căn cứ xác lập quyền hưởng dụng theo di chúc là một cải cách căn bản trong việc khai thác tài sản của người đã chết bằng việc hưởng dụng, mà không phải là người được chuyển giao tài sản và quyền sở hữu tài sản theo thừa kế. Quy định về căn cứ xác lập quyền hưởng dụng theo di chúc đã tạo ra khả năng duy trì khối di sản của người chết để lại và bảo đảm quyền của những người thừa kế theo pháp luật, khi người hưởng dụng đầu tiên qua đời hoặc hết thời hạn hưởng dụng tối đa theo luật định là 30 năm. Chủ thể hưởng dụng có thể là cá nhân, có thể là pháp nhân.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 260 BLDS năm 2015, thì người hưởng dụng có quyền cho thuê quyền hưởng dụng. Quy định này nhằm khai thác triệt để tài sản là đối tượng hưởng dụng, tránh lãng phí trong trường hợp người hưởng dụng không có nhu cầu hoặc không khai thác hết giá trị kinh tế của tài sản hưởng dụng. Quy định này phù hợp với nền kinh tế thị trường, đặc biệt đối với việc khai thác những tư liệu sản xuất, kinh doanh mà tài sản là sản nghiệp như các nhà máy, hệ thống dây chuyền trong sản xuất hàng hóa và các tư liệu sản xuất khác. Quyền hưởng dụng tài sản được quy định trong BLDS năm 2015 là một bước cải cách trong tư duy lập pháp tại Việt Nam về lĩnh vực dân sự. Quyền hưởng dụng được hiểu là vật quyền, cho nên quyền này có thể là đối tượng của giao dịch dân sự, người hưởng dụng được quyền thu lợi từ việc hưởng dụng đó. Hưởng dụng là quyền của người không phải là chủ sở hữu của tài sản, nhưng có quyền hưởng dụng các lợi ích do tài sản mang lại trên căn cứ hợp đồng hoặc do pháp luật quy định.
Trước đây, trong Bộ An Nam giản yếu năm 1883, đã phỏng theo Luật của Cộng Hoà Pháp cùng thời kỳ đó, tại Điều 384 quy định: Người cha được quyền hưởng dụng pháp định đối với tài sản riêng của con cho đến khi người con 18 tuổi(Người mẹ chỉ được hưởng dụng tài sản của con sau khi người cha chết với điều kiện người mẹ không kết hôn với người khác – không tái giá).Khi người con đến 18 tuổi, người cha được hưởng dụng phải ghi chép về các khoản hoa lợi phát sinh từ tài sản của người con. Nếu chi phí nuôi dưỡng người con này vẫn còn thừa, thì người cha có nghĩa vụ trả lại cho người con khoản dư thừa này. Nhưng trong Bộ Dân luật Trung Kỳ (1936) và Dân luật Bắc Kỳ (1931) đều không có quy định về hưởng dụng tài sản của con chưa đến 18 tuổi. Bởi vì, theo quy định của pháp luật dân sự Trung Kỳ và Bắc Kỳ thì các con còn ở chung với cha, mẹ không có quyền có tài sản riêng, trừ trường hợp các con đã trưởng thành và đã thoát quyền khỏi người cha, người mẹ theo phương thức: “Kiến giả nhất phận”.
Quyền hưởng dụng còn được quy định trong trường hợp người chồng chết trước người vợ. Theo quy định trong Dân luật Bắc Kỳ và Dân luật Trung Kỳ thì sau khi người chồng chết, người vợ goá có các quyền: Hưởng toàn quyền sở hữu tài sản của người chồng nếu bên nhà chồng không còn bất kỳ người thừa kế nào và quyền hưởng dụng hoa lợi do toàn bộ di sản của người chồng để lại sau khi chết. Người vợ có quyền hưởng dụng tất cả tài sản của người chồng để lại, chỉ trừ hương hoả.

Căn cứ xác lập quyền hưởng dụng

Quyền hưởng dụng được xác lập theo quy định tại Điều 258 BLDS năm 2015: “Quyền hưởng dụng được xác lập theo quy định của pháp luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc”.
Xác lập quyền hưởng dụng theo quy định của pháp luật
Quyền hưởng dụng được xác lập theo quy định của pháp luật là quyền của một chủ thể được khai thác, sử dụng tài sản của một chủ thể khác mà giữa họ không có giao kết hợp đồng hoặc người hưởng dụng không dựa theo di chúc của cá nhân người lập di chúc để lại tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng sau khi người để lại tài sản chết.
Về quyền hưởng dụng theo quy định của pháp luật, thì hiện nay ở Việt Nam không có một quy định cụ thể nào, mà chỉ quy định về việc quản lý tài sản riêng của các con vị thành niên; việc sử dụng, định đoạt tài sản của người con phải vì lợi ích của người con chưa trưởng thành. Pháp luật Việt Nam hiện không có quy định về trường hợp cha mẹ khấu trừ những khoản chi nuôi dưỡng con chưa trưởng thành và khoản chi phí cho việc học tập của con vị thành niên vào tài sản riêng của người con này.
Trước đây, Điều 744 BLDS năm 1995 quy định về quyền tiếp tục sử dụng đất của các thành viên trong hộ gia đình: “Hộ gia đình được Nhà nước giao đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, nếu trong hộ có thành viên chết, thì các thành viên khác trong hộ được quyền tiếp tục sử dụng đất do Nhà nước giao cho hộ đó; nếu trong hộ gia đình không còn thành viên nào, thì Nhà nước thu hồi đất đó”. 
Như vậy, theo quy định trên thì những thành viên trong gia đình của người chết được tiếp tục khai thác đất nông nghiệp cho đến hết thời hạn được giao đất, là một quyền hưởng dụng rất phổ biến ở Việt Nam.
Trên thực tế, ở Việt Nam còn rất nhiều trường hợp quyền hưởng dụng phát sinh từ những quan hệ rất cụ thể. Ví dụ như tài sản của người chồng hoặc người vợ đã chết để lại hoặc là bất động sản hoặc là động sản mà những người có quyền thừa kế các di sản này của người chồng hoặc người vợ đã chết, nhưng không có tranh chấp về việc hưởng di sản và không có yêu cầu chia thừa kế di sản, thì người chồng hoặc người vợ còn sống có quyền hưởng dụng tài sản của người đã chết có thể đến hết đời, nếu những người có quyền hưởng thừa kế không có yêu cầu chia di sản.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.
Phạm Thị Yến Nhi

Phạm Thị Yến Nhi

https://luatcongty.vn Phạm Thị Yến Nhi một cô gái nhiệt tình, vui vẻ và yêu đời. Có niềm đam mê với việc viết lách, thích tìm hiểu, phân tích các vấn đề pháp lý khác nhau để tạo thêm nhiều giá trị cho bản thân. Vì vậy rất mong muốn được chia sẽ những kiến thức mà mình học hỏi và tìm hiểu đến bạn đọc. Các bài viết của Yến Nhi trên website luatcongty.vn là những kiến thức mà Nhi muốn chia sẻ đến mọi người

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.60757 sec| 991.727 kb