Thuật ngữ trong hợp đồng: Doanh nghiệp chú ý sử dụng sao cho đúng?

Bởi Phạm Thị Yến Nhi - 30/08/2020
view 1021
comment-forum-solid 0

Do hệ thống pháp luật các quốc gia cũng như quốc tế đều có nguồn gốc, hoặc chịu ảnh hưởng của luật La Mã nói chung và nguyên tắc “pacta sunt servanda” nói riêng, nên các hệ thống pháp luật này đều nhìn nhận tính ràng buộc của hợp đồng và đều buộc các bên tham gia xác lập hợp đồng phải thực hiện nghĩa vụ của mình phù hợp với các điều khoản đã thỏa thuận.

Thuật ngữ trong hợp đồng được quy định ra sao?                                                         Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198

Vì vậy, không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng hay không tôn trọng cam kết mà các bên đã tự nguyện xác lập (VPHĐ) đều bị xem là hành vi sai trái. Khi có hành vi VPHĐ, hệ thống pháp luật các quốc gia đều áp đặt trách nhiệm pháp lý đối với bên không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, cũng như dự liệu các hệ quả pháp lý nhằm khắc phục tình trạng do hành vi không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng gây nên.

Nguyên tắc “pacta sunt servanda"

Pacta sunt servanda nó có nghĩa là các thỏa thuận phải được duy trì. Đó là một thuật ngữ Latin đã ảnh hưởng đến luật pháp quốc tế bằng cách thiết lập rằng các điều ước quốc tế phải được tất cả các bên tôn trọng. Nguyên tắc của pacta sunt servanda dựa trên nguyên tắc thiện chí.

Các thuật ngữ được sử dụng để chỉ đến các giải pháp pháp lý đối với hành vi vi phạm hợp đồng

 Các thuật ngữ được sử dụng để chỉ đến các giải pháp pháp lý nhằm khắc phục tình trạng không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng (VPHĐ) gồm: “remedies for breach of contract/non-performance” (các biện pháp khắc phục đối với hành vi VPHĐ/không thực hiện hợp đồng), viết tắt là “remedies”, “les sanctions contractuelle civiles” (các chế tài đối với VPHĐ), viết tắt là “sanctions”, “moyens ouverts d’en cas d’inexécution” (các biện pháp khắc phục do không thực hiện hợp đồng), viết tắt là “moyens”.

Các quốc gia thuộc hệ thống civil law như Pháp, Bỉ, Thụy sỹ sử dụng thuật ngữ “sanctions”, hay đầy đủ hơn là “sanction contractuelle civile”, hoặc “les sanctions de l'inexécution des obligations contractuelle”, đôi khi là “les remèdes”, để chỉ các giải pháp pháp lý nhằm khắc phục tình trạng do hành vi không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng mang lại, hay nói cách khác, là để chỉ các hình thức pháp lý nhằm sửa chữa việc không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Đặc biệt, Điều 1217 mới của Bộ luật Dân sự (BLDS) Pháp ban hành theo Pháp lệnh số 2016-131 ngày 10/2/2016 về cải cách luật hợp đồng, các quy định chung và bằng chứng của nghĩa vụ còn chính thức sử dụng thuật ngữ “sanctions” để chỉ đến các giải pháp pháp lý nhằm khắc phục tình trạng không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng gồm: Đình chỉ thực hiện hợp đồng; Tiếp tục thực hiện hợp đồng; Yêu cầu giảm giá; Hủy bỏ hợp đồng; bồi thường thiệt hại (BTTH).

Các quốc gia thuộc hệ thống common law không sử dụng thuật ngữ “sanctions”, mà sử dụng thuật ngữ “remedies for breach of contract/non-performance”, viết tắt là “remedies” để chỉ đến các giải pháp pháp lý nhằm khắc phục tình trạng không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.

Thuật ngữ “remedies” cũng là thuật ngữ được sử dụng trong Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980 (CISG), Bộ nguyên tắc của UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế (UPICC), Bộ nguyên tắc Châu Âu về luật hợp đồng (PECL). Trong phiên bản tiếng Pháp của các văn bản pháp lý quốc tế này, thuật ngữ “moyens” hay đầy đủ là “moyens ouverts d’en cas d’inexécution” được sử dụng thay cho thuật ngữ “sanctions”, và là thuật ngữ tiếng Pháp tương đương với thuật ngữ “remedies” trong tiếng Anh.

Như vậy, các thuật ngữ “sanctions”, “sanctions contractuelle civiles” hay “les sanctions de l'inexécution des obligations contractuelle” có nội hàm tương đồng với thuật ngữ “remedies”, “remedies for breach of contract”, “remedies for non-performance” trong tiếng Anh. Đặc biệt, phiên bản tiếng Pháp của CISG, UPICC và PECL đã sử dụng thuật ngữ “moyens” để tránh nhầm lẫn với thuật ngữ “sanctions” trong tiếng Anh.

Thuật ngữ “trách nhiệm dân sự”

Theo “Từ điển Thuật ngữ pháp lý” của Nhà xuất bản Dalloz và “Từ điển Thuật ngữ pháp lý” của Gérard Cornu, trách nhiệm dân sự (responsabilité civile) gồm trách nhiệm theo hợp đồng (responsabilité contractuelle) và trách nhiệm ngoài hợp đồng (responsabilité délictuelle), chỉ đến bất kỳ sự đáp trả về mặt dân sự nào đối với những tổn hại gây ra cho người khác, nghĩa là đền bù bằng hiện vật hoặc tương đương.

Theo Từ điển Luật học “Black's Law Dictionary”, trách nhiệm dân sự (civil liability) được hiểu là tình trạng bị ràng buộc về mặt pháp lý phải BTTH dân sự.

Tương tự như vậy, các luật gia như Trần Thúc Linh, Vũ Văn Mẫu đều cho rằng, trách nhiệm dân sự có hai hình thức: trách nhiệm theo hợp đồng (trách nhiệm khế ước) và trách nhiệm ngoài hợp đồng (trách nhiệm dân sự phạm và chuẩn dân sự phạm). Cũng theo các luật gia này, trách nhiệm dân sự phát sinh trên cơ sở hành vi vi phạm nghĩa vụ, “nói tới trách nhiệm dân sự tức là nói tới bồi thường” hay cụ thể hơn là trách nhiệm dân sự theo hợp đồng (trách nhiệm khế ước) là trách nhiệm bồi thường của bên không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng cho bên bị “tổn thiệt”.

Như vậy, theo quan điểm của nhiều luật gia, thuật ngữ “trách nhiệm dân sự theo hợp đồng” thường chỉ đến trách nhiệm BTTH theo hợp đồng.

Theo Từ điển Luật học của Bộ Tư pháp, “trách nhiệm dân sự” được hiểu là “trách nhiệm pháp lý mang tính tài sản được áp dụng đối với người vi phạm pháp luật dân sự nhằm bù đắp về tổn thất vật chất, tinh thần cho người bị thiệt hại” hay “những hậu quả bất lợi mà chủ thể pháp luật phải gánh chịu do pháp luật quy định vì hành vi vi phạm pháp luật của mình (hoặc của người mà mình bảo lãnh hay giám hộ)”. Nội hàm của “trách nhiệm dân sự” được Từ điển xác định tương tự như nội hàm của trách nhiệm dân sự trong hệ thống common law và civil law, bao gồm trách nhiệm dân sự theo hợp đồng và trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, bên cạnh sự tương đồng này, Từ điển Luật học lại chỉ ra “trách nhiệm dân sự bao gồm buộc xin lỗi, cải chính công khai, buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc BTTH, phạt vi phạm”.

Thuật ngữ “chế tài”

Theo Từ điển Thuật ngữ pháp lý của Nhà xuất bản Dalloz năm 2015-2016, chế tài (sanction) được hiểu là:

“- Biện pháp bắt buộc gắn liền với bất kỳ quy phạm pháp luật nào (cấu thành nên các tiêu chuẩn đặc trưng của pháp luật và đạo đức);

- Biện pháp đáp trả sự vi phạm pháp luật (hình phạt, hủy bỏ, vô hiệu, hết thời hiệu,…);

- Biện pháp đáp trả sự vi phạm một nghĩa vụ”.

Theo Từ điển Luật học “Black's Law Dictionary”, chế tài (sanction) được hiểu là “một hình phạt hoặc biện pháp cưỡng chế là kết quả của việc không tuân thủ luật, nguyên tắc hoặc phán lệnh”, trong khi đó, để chỉ đến các biện pháp đáp trả hành vi vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm nghĩa vụ hợp đồng nói riêng, hệ thống common law sử dụng thuật ngữ “remedies” là thuật ngữ có nội hàm tương tự thuật ngữ “sanctions” trong tiếng Pháp.

Có thể nhận thấy, thuật ngữ “sanction” trong hệ thống pháp luật civil law và common law không đồng nhất với nhau. Hệ thống common law sử dụng thuật ngữ này để chỉ đến các biện pháp mang tính hình phạt, trong khi hệ thống civil law sử dụng thuật ngữ này để chỉ đến các biện pháp đáp trả sự vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm nghĩa vụ hợp đồng nói riêng.

Bạn có thể tham khảo thêm kiến thức pháp luật tại đây!

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.
Phạm Thị Yến Nhi

Phạm Thị Yến Nhi

https://luatcongty.vn Phạm Thị Yến Nhi một cô gái nhiệt tình, vui vẻ và yêu đời. Có niềm đam mê với việc viết lách, thích tìm hiểu, phân tích các vấn đề pháp lý khác nhau để tạo thêm nhiều giá trị cho bản thân. Vì vậy rất mong muốn được chia sẽ những kiến thức mà mình học hỏi và tìm hiểu đến bạn đọc. Các bài viết của Yến Nhi trên website luatcongty.vn là những kiến thức mà Nhi muốn chia sẻ đến mọi người

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.70225 sec| 1008.313 kb