Quyền đứng tên tác phẩm là cách để tác giả có thể khẳng định được mối quan hệ của mình đối với chính tác phẩm mà mình tạo ra. Theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện hành thì đây là một trong những quyền nhân thân gắn liền và có liên hệ mật thiết với chính tác giả. Vậy hành vi xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm hiện nay xảy ra khá nhiều, vậy hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào?
Quyền đứng tên trên tác phẩm là cách gọi khác của quyền được đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng trong nhóm quyền nhân thân thuộc cơ chế quyền tác giả theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009. Chính vì thuộc nhóm quyền nhân thân không thể chuyển giao nên không phải bất cứ chủ sở hữu quyền tác giả nào cũng có quyền này. Việc đứng tên tác phẩm có ý nghĩa trong việc thể hiện được dấu ấn của tác giả đối với tác phẩm.
Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc chỉ duy nhất có tác giả mới có được quyền nhân thân riêng biệt này. Căn cứ theo quy định tại Điều 37 và Điều 38 Luật này thì chủ thể có quyền đứng tên trên tác phẩm bao gồm:
(i) Chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả: Tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất–kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm (ii) Chủ sở hữu quyền tác giả là các đồng tác giả: Các đồng tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để cùng sáng tạo ra tác phẩm.
Dựa theo những quy định này thì ngoài các tác giả thì các đồng tác giả cũng là một trong những chủ thể được phép đứng tên trên tác phẩm cũng như có các quyền nhân thân tương ứng đối với tác phẩm mà mình góp phần tạo nên. Quy định này nhằm đảm bảo hơn cho quyền lợi của các đồng tác giả đối với thành quả lao động trí tuệ của mình.
Tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về hình thức xử lý và mức phạt đối với hành vi này. Cụ thể:
Phạt tiền từ 2 triệu đồng – 3 triệu đồng đối với các hành vi sau:
(i) Sử dụng tác phẩm không nêu tên thật, bút danh tác giả, tên tác phẩm trên bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.
(ii) Sử dụng tác phẩm nhưng nêu không đúng tên thật, bút danh tác giả, tên tác phẩm trên bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.
Ngoài mức xử phạt tiền nêu trên thì người có hành vi xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm phải khắc phục hậu quả.
Tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 131/2013/NĐ-CP nêu chi tiết về các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
(i) Buộc cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các thông tin sai lệch.
(ii) Buộc sửa lại đúng tên tác giả, tác phẩm trên bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có thông tin sai lệch.
Trên đây là các mức xử phạt đối với hành vi xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy chúng ta cần lưu ý để tránh vi phạm khi sử dụng bất kì một tác phẩm nào đó để phục vụ cho nhu cầu của mình.
Xem thêm: Nguyên tắc bảo hộ quyền tác giả
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm