Có nhiều lý do để dẫn đến việc giải thể doanh nghiệp như: hết thời hạn hoạt động, theo quyết định của chủ sở hữu,… nhưng dù theo cách nào thì cũng gây ảnh hưởng lớn đến người lao động. Vậy quyền lợi của người lao động trong trường hợp này được giải quyết thế nào?
Khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã liệt kê 04 trường hợp doanh nghiệp bị giải thể như sau:
(i) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
(ii) Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
(iii) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
(iv) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.
Có thể thấy, doanh nghiệp có thể giải thể tự nguyện theo quyết định của chủ sở hữu hoặc do hết thời hạn hoạt động mà không gia hạn. Còn nếu không đảm bảo số lượng thành viên tối thiểu trong 06 tháng liên tục hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp bắt buộc phải tiến hành giải thể.
Đặc biệt, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài (căn cứ khoản 2 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020).
Giải thể bao giờ cũng dẫn đến việc chấm dứt hoạt động, xóa sổ doanh nghiệp trên thực tế, kéo theo đó, hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động cũng sẽ chấm dứt theo khoản 7 Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019.
Lúc này, người sử dụng lao động có trách nhiệm ưu tiên thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được nêu tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019.
Đồng thời, khoản 5 Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng ghi nhận các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên sau đây:
(i) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;
(ii) Nợ thuế;
(iii) Các khoản nợ khác.
Như vậy, có thể thấy, khi doanh nghiệp giải thể, việc giải quyết các quyền lợi của người lao động được ưu tiên hàng đầu, trong đó có lương, trợ cấp thôi việc,… Quy định này giúp đảm bảo tối đa quyền lợi của người lao động khi bị mất việc làm.
Trước khi doanh nghiệp chính thức chấm dứt hoạt động, người lao động sẽ được thanh toán đầy đủ tất cả các khoản tiền liên quan đến lợi ích hợp pháp của mình.
Theo đó, trường hợp doanh nghiệp bị giải thể, người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi sau:
Doanh nghiệp giải thể phải thanh toán đầy đủ cho người lao động những khoản tiền lương tương ứng với những ngày làm việc chưa được trả. Khoản tiền này sẽ được ưu tiên thanh toán đầu tiên khi giải quyết quyền lợi cho người lao động.
Người lao động làm việc thưởng xuyên từ đủ 12 tháng trở lên khi công ty giải thể sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc theo Điều 46 BLLĐ 2019.
Khoản tiền này sẽ do người sử dụng lao động chi trả với mỗi năm làm việc tương ứng với 01 tháng tiền lương.
Trong đó:
(i) Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian đã làm việc thực tế trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
(ii) Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
Công ty khi thực hiện thủ tục giải thể buộc phải thanh toán các khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại cơ quan bảo hiểm xã hội tương ứng với thời gian người lao động làm việc mà chưa được đóng các khoản bảo hiểm trên. Quy định này giúp đảm bảo các chế độ bảo hiểm mà người lao động được hưởng.
Ngoài những khoản lợi ích nêu trên, người lao động còn có thể được hưởng các khoản trợ cấp, phụ cấp hàng tháng, phụ cấp xăng xe, phụ cấp độc hại,… nếu như thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động có quy định.
Khoản trợ cấp này sẽ do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả với mức trợ cấp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp (Điều 50 Luật Việc làm).
Lưu ý: Người lao động bắt đầu đi làm và ký hợp đồng lao động từ 01/01/2009 sẽ không được hưởng trợ cấp mất việc làm mà chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Chuyển hộ kinh doanh thành công ty TNHH một thành viên thế nào?
Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ bán lẻ
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm