Giao kết hợp đồng thương mại - Những vấn đề chính cần lưu ý

view 1855
comment-forum-solid 0

Một thỏa thuận giữa các chủ thể được coi là hợp đồng và được pháp luật bảo vệ phải đáp ứng những điều kiện theo quy định của pháp luật, trong đó có điều kiện tuân thủ các nguyên tắc giao kết hợp đồng thương mại.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Hoài Thương – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Nguyên tắc giao kết hợp đồng trong thương mại

Không phải sự thỏa thuận nào giữa các chủ thể cũng dẫn tới việc hình thành hợp đồng, cũng như không phải mọi quyền và nghĩa vụ của các chủ thể đối với nhau đều phát sinh từ sự thỏa thuận. Một thỏa thuận giữa các chủ thể được coi là hợp đồng và được pháp luật bảo vệ phải đáp ứng những điều kiện theo quy định của pháp luật, trong đó có điều kiện tuân thủ các nguyên tắc giao kết hợp đồng.

Hợp đồng thương mại được giao kết theo các nguyên tắc quy định cho hợp đồng nói chung. Nguyên tắc giao kết hợp đồng được quy định xuất phát nhằm bảo đảm quyền tự do hợp đồng. Quyền tự do hợp đồng của các tổ chức, cá nhân được pháp luật bảo vệ, và quyền đó phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật để không xâm hại đến lợi ích chính đáng của các chủ thể có liên quan. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, việc giao kết hợp đồng phải tuân theo các nguyên tắc: tự do giao kết nhưng không trái pháp luật và đạo đức xã hội; tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng. Cơ sở pháp lý ghi nhận các nguyên tắc này là Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, bao gồm:

“1. Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.

2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

3. Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.

4. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

5. Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.”

Việc tuân thủ các nguyên tắc giao kết hợp đồng có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo đảm sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng phù hợp với ý chí thực của họ; hợp đồng có thể mang lại lợi ích cho các bên đồng thời không xâm hại đến những lợi ích mà pháp luật cần bảo vệ.

Nội dung của hợp đồng thương mại

Nội dung của hợp đồng thương mại là các điều khoản do các bên thỏa thuận, thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng. Trên cơ sở vai trò của các điều khoản trong hợp đồng, có thể phân chia nội dung của hợp đồng thành các loại: (i) Điều khoản chủ yếu (điều khoản cơ bản) là những điều khoản quan trọng nhất của một hợp đồng; (ii) Điều khoản thông thường là những điều khoản đã được pháp luật quy định, nếu các bên không thỏa thuận thì coi như đã mặc nhiên công nhận và phải thực hiện theo quy định của pháp luật; (iii) Điều khoản tùy nghi là những điều khoản do các bên tự lựa chọn và thỏa thuận với nhau khi pháp luật không có quy định.

Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2018 không quy định trong một hợp đồng nói chung và hợp đồng trong kinh doanh nói riêng, các bên bắt buộc phải thỏa thuận những nội dung cụ thể nào. Tuy nhiên, đối với từng loại hợp đồng cụ thể, pháp luật chuyên ngành có thể có quy định về những nội dung bắt buộc phải có nội dung chủ yếu) của hợp đồng, chẳng hạn như nội dung chủ yếu của hợp đồng kinh doanh bảo hiểm được quy định tại Điều 13 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010, 2019; nội dung chủ yếu của hợp đồng trong hoạt động xây dựng được quy định tại Điều 141 Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2016, 2018, 2019...

Đối với những hợp đồng mà pháp luật không có quy định về nội dung chủ yếu, thì các bên có thể thỏa thuận nội dung của hợp đồng trên cơ sở những quy định mang tính "khuyến nghị", "định hướng" của pháp luật, thói quen và tập quán thương mại. Từ các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019, xuất phát từ tính chất của quan hệ hợp đồng thương mại, có thể thấy những điều khoản quan trọng của hợp đồng thương mại bao gồm: đối tượng, chất lượng, giá cả, phương thức thanh toán, thời hạn và địa điểm thực hiện hợp đồng. Trong thực tiễn, các bên thỏa thuận nội dung hợp đồng càng chi tiết thì càng thuận lợi cho việc thực hiện hợp đồng. Việc pháp luật quy định nội dung của hợp đồng thương mại có ý nghĩa hướng dẫn các bên tập trung vào thỏa thuận những nội dung quan trọng của hợp đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện, đồng thời phòng ngừa những tranh chấp xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật nêu trên – gọi tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Thủ tục giao kết hợp đồng trong thương mại

Đề nghị giao kết hợp đồng

Đề nghị giao kết hợp đồng có bản chất là hành vi pháp lý đơn phương của một chủ thể, có nội dung bày tỏ ý định giao kết hợp đồng với chủ thể khác theo những điều kiện xác định. Từ quy định của Điều 386 Bộ luật Dân sự năm 2015, có thể định nghĩa đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể.

Về nguyên tắc, hình thức của đề nghị giao kết hợp đồng phải phù hợp với hình thức của hợp đồng. Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định về hình thức của đề nghị hợp đồng, song có thể dựa vào quy định về hình thức của hợp đồng để xác định hình thức của đề nghị hợp đồng, theo đó đề nghị hợp đồng có thể được thể hiện bằng văn bản, lời nói hoặc hành vi cụ thể hoặc kết hợp giữa các hình thức này. Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức của hợp đồng phải bằng văn bản thì hình thức của đề nghị giao kết hợp đồng cũng phải bằng văn bản.

Đề nghị giao kết hợp đồng được gửi đến cho một hay nhiều chủ thể đã xác định. Hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng thông thường được bên đề nghị ấn định. Trường hợp bên đề nghị không ấn định thời điểm có hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó. Căn cứ xác định bên được đề nghị đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng là: (i) Đề nghị được chuyển đến nơi cư trú, nếu bên được đề nghị là cá nhân; được chuyển đến trụ sở, nếu bên được đề nghị là pháp nhân; (ii) Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị; (iii) Khi bên được đề nghị biết được đề nghị giao kết hợp đồng thông qua các phương thức khác.

Bên đề nghị phải chịu trách nhiệm về lời đề nghị của mình. Trong thời hạn đề nghị hợp đồng có hiệu lực, nếu bên được đề nghị thông báo chấp nhận vô điều kiện đề nghị giao kết hợp đồng thì hợp đồng hình thành và ràng buộc các bên. Nếu các bên không thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng thì phải chịu các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng theo thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng thay đổi hay rút lại đề nghị giao kết hợp đồng thì phải thông báo ngay cho bên nhận đề nghị giao kết hợp đồng. Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong trường hợp sau đây:

+ Bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị;

+ Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bền đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.

Khi bên đề nghị thay đổi nội dung của đề nghị giao kết hợp đồng thì đó là đề nghị mới. Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể hủy bỏ đề nghị nếu đã nêu rõ quyề) lùy trọt) để nghị vì ) được đề nghị nhận được thông báo về việc hủy bỏ đề nghị trước, khi người này gửi thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.

Đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong trường hợp bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng hoặc bên được đề nghị trả lời không chấp nhận. Ngoài ra, đề nghị giao kết hợp đồng cũng chấm dứt trong trường hợp sau đây:

+ Hết thời hạn trả lời chấp nhận;

+ Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực;

+ Khi thông báo về việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực;

+ Theo thỏa thuận của bên đề nghị và bên được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời.

Khi bên được đề nghị đã chấp nhận giao kết hợp đồng nhưng có nêu điều kiện hoặc sửa đổi đề nghị thì coi như người này đã đưa ra đề nghị mới.

Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng

Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị. Sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên. Thời hạn trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng được xác định khác nhau trong các trường hợp sau:

+ Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó; nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời.

+ Khi bên đề nghị không nêu rõ thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực nếu được thực hiện trong một thời hạn hợp lý.

+ Trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lý do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan này thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị.

+ Khi các bên trực tiếp giao tiếp với nhau, kể cả trong trường hợp qua điện thoại hoặc qua phương thức khác thì bên được đề nghị phải trả lời ngay có chấp nhận hoặc không chấp nhận, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về thời hạn trả lời.

Bên được đề nghị giao kết hợp đồng có thể rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng, nếu thông báo về việc rút lại này đến trước hoặc cùng với thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng.

Trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi sau khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng thì đề nghị giao kết hợp đồng vẫn có giá trị, trừ trường hợp nội dung giao kết gắn liền với nhân thân bên để nghị.

Trường hợp bên được đề nghị đã chấp nhận giao kết hợp đồng nhưng sau đó chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì việc trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có giá trị, trừ trường hợp nội dung giao kết gắn liền với nhân thân bên được đề nghị.

Thời điểm giao kết hợp đồng

Về nguyên tắc chung, hợp đồng được giao kết vào thời điểm các bên đạt được sự thỏa thuận. Thời điểm giao kết hợp đồng được quy định khác nhau phụ thuộc vào cách thức giao kết và hình thức của hợp đồng. Theo quy định của Điều 400 Bộ luật Dân sự năm 2015 có thể xác định thời điểm giao kết hợp đồng thương mại như sau:

(i) Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết.

(ii) Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó.

(iii) Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.

(iv) Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.

Trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.

Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác. Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy, đặc biệt cuốn sách Luật Kinh tế (chuyên khảo) của Tiến sĩ Nguyễn Thị Dung. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Luật sư Nguyễn Hoài Thương

Luật sư Nguyễn Hoài Thương

https://everest.org.vn/luat-su-nguyen-hoai-thuong/ Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương được biết đến là một luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp, hợp đồng, thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương gia nhập Công ty Luật TNHH Everest từ năm 2016 đến nay.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.58084 sec| 1063.961 kb