Trí tuệ nhân tạo và những thách thức pháp lý

Bởi Hồ Thị Ngọc Ánh - 23/08/2020
view 556
comment-forum-solid 0

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được xem là một động lực cho sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế mà AI mang lại là những thách thức xã hội và pháp lý. Bài viết tập trung phân tích những thách thức pháp lý gắn liền với AI và đưa ra một số khuyến nghị liên quan đến hoạt động nghiên cứu lập pháp.

Bài viết được thực hiện bởi chuyên viên pháp lý Hồ Thị Ngọc Ánh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198

Trí tuệ nhân tạo và sự phát triển

Thuật ngữ AI (Artificial intelligence) đang ngày càng trở nên phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Dưới góc độ nghiên cứu triển khai, các khu vực chính của AI là hệ thống chuyên gia, người máy, hệ thống thị giác máy, hệ thống xử lý ngôn ngữ tự nhiên, hệ thống học và mạng nơ-ron. AI được triển khai dưới dạng gói phần mềm (nền tảng ảo, bot trò chuyện, chương trình….) hoặc lập trình (robot, drone...) như một công cụ cho các mục tiêu cụ thể được đặt ra trong khuôn khổ của các quan hệ pháp lý được hình thành bởi các thực thể pháp lý.

Như vậy có thể thấy rằng, AI được triển khai dưới dạng hệ thống dữ liệu (hệ thống AI), sau đó được ứng dụng dưới hình thức là những thực thể vô hình dạng phần mềm hay thực thể hữu hình dạng vật liệu. AI đã được ứng dụng vào một loạt lĩnh vực như: chăm sóc sức khỏe, giáo dục, kinh doanh, pháp lý, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải, sản xuất, dịch vụ.

trí tuệ nhân tạo Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 19006198

Tư cách pháp lý của trí tuệ nhân tạo và thực thể mang trí tuệ nhân tạo

Để có thể có những giải pháp tối ưu từ những thách thức pháp lý mà AI đặt ra, trước hết, cần xác định được tư cách pháp lý của AI. Tuy vậy, cần hiểu rõ rằng, thuật ngữ AI được định nghĩa như một lĩnh vực, do đó việc xác định tư cách pháp lý phải được đặt trên những công nghệ về AI hoặc thực thể mang AI. Như đã phân tích, công nghệ AI có thể tồn tại trong những hệ thống dữ liệu (chương trình máy tính, chat bot, phần mềm...) mang tính vô hình và cũng có thể được mang bởi một thực thể hữu hình hay còn gọi là các tác tử thông minh như robot hay xe tự lái.

Hiện tại, có hai cách tiếp cận về tư cách pháp lý của AI như sau:

(i) AI là một đối tượng của pháp luật, một số thực thể hữu hình có gắn AI như robot có thể được xem xét có quyền như con người, tuy nhiên số lượng quốc gia theo cách tiếp cận này rất ít;

(ii) AI là một đối tượng riêng biệt trong pháp luật và được kiểm soát bởi những quy định đặc biệt, các thực thể mang AI không được công nhận có quyền như một con người, bản chất là một tài sản, công cụ, hay sản phẩm (pháp luật chỉ quy định AI là một đối tượng được kiểm soát đặc biệt và có những quy định dành riêng để điều chỉnh các vấn đề phát sinh liên quan đến AI)

Quyền sở hữu trí tuệ

Từ năm 2019, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã bắt đầu thảo luận các ảnh hưởng của AI tới hệ thống sở hữu trí tuệ. Trong đó, WIPO đã định hình một vài vấn đề nổi cộm và kêu gọi các quốc gia cùng tham gia thảo luận cho ý kiến, cụ thể là:

(i) Việc quy định loại công nghệ AI nào là đối tượng được bảo hộ sáng chế;

(ii) Cách diễn giải và áp dụng ba tiêu chí đánh giá khả năng bảo hộ sáng chế khi thẩm định công nghệ AI;

(iii) Có nên sửa đổi, bổ sung pháp luật sáng chế để phù hợp với đặc điểm riêng biệt của công nghệ AI hay không.

Vấn đề AI có thể xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng được WIPO khuyến nghị như là một vấn đề pháp lý cần giải quyết. Pháp luật của đa số các quốc gia đều quy trách nhiệm pháp lý của hành vi xâm phạm do AI gây ra cho cá nhân, tổ chức xác định. Pháp luật châu Âu quy định “hành vi sử dụng sản phẩm chịu trách nhiệm về những thiệt hại xảy ra”, như vậy chủ thể sử dụng AI sẽ phải chịu trách nhiệm cho những xâm phạm do AI gây ra.

Quyền về dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư

Những tiện ích mà AI mang lại cũng đi kèm với các nguy cơ, khi các dữ liệu cá nhân bị thu thập trái phép, xâm phạm đến quyền riêng tư nhằm vào mục đích khai thác và trục lợi. Trước thách thức này, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã có những hành động cụ thể để bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân trong thời đại công nghệ số. Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Đạo luật bảo vệ dữ liệu (General Data Protection Regulation - GDPR). Đạo luật quy định rất rõ về dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân, hay quyền được lãng quên khi sử dụng thông tin người khác. Trong khi đó, các quy định bảo vệ quyền riêng tư, dữ liệu cá nhân ở Việt Nam còn sơ khai.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại liên quan đến trí tuệ nhân tạo

Với khả năng tích lũy kinh nghiệm và học hỏi cũng như khả năng hành động độc lập và đưa ra quyết định riêng lẻ, AI có thể sẽ là một đối tượng trực tiếp gây hại cho con người hoặc những đối tượng khác. AI có thể trở thành một phương tiện để một chủ thể nào đó dùng để gây hại, hoặc AI gây hại bằng hành động của mình. Có thể kể đến các trường hợp đối với các tác tử thông minh như robot hay xe tự hành gây tai nạn cho con người vì một lý do nào đó theo lập trình nằm ngoài dữ liệu.

Pháp luật các nước trên thế giới chưa quy định một cách rõ ràng về trách nhiệm bồi thường thiệt hại liên quan đến AI và do đó, các vấn đề bồi thường sẽ phải được giải quyết theo các quy định pháp luật hiện hành. Nếu trong trường hợp AI tự mình gây ra những thiệt hại, thì vấn đề xác định chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường lại là một vấn đề nan giải.

Phần lớn luật pháp quốc gia và quốc tế đều không công nhận AI là một chủ thể của pháp luật, điều đó có nghĩa là AI không thể chịu trách nhiệm cá nhân về những thiệt hại mà nó gây ra. Đa số các quốc gia căn cứ vào pháp luật hiện hành để quy trách nhiệm về một chủ thể xác định.

Kết luận và khuyến nghị đối với hoạt động nghiên cứu lập pháp

Thứ nhất, cần nghiên cứu và xác định rõ tư cách pháp lý, bản chất pháp lý của AI hướng đến việc xây dựng khung pháp lý điều chỉnh các mối quan hệ pháp luật liên quan đến AI như quan hệ về tài sản, quyền sở hữu, sở hữu trí tuệ, quan hệ lao động, bồi thường thiệt hại…

Thứ hai, về quyền sở hữu trí tuệ, cần xây dựng hành lang pháp lý vững chắc cho việc công nhận và bảo hộ đối với AI. Thêm vào đó, cần công nhận những sáng chế, tác phẩm do AI tạo ra, sửa đổi các quy định về xác định tác giả của các tác phẩm, sáng chế để tạo tiền đề cấp bản quyền và cấp bằng sáng chế.

Thứ ba, về quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân, cần học hỏi kinh nghiệm pháp luật châu Âu để đưa ra những quy định cụ thể về dữ liệu cá nhân, xử lý dữ diệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân và các quy định về quyền cá nhân liên quan đến dữ liệu trên không gian mạng.

Thứ tư, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại liên quan đến AI, ngoài áp dụng những quy định hiện hành để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, các nhà lập pháp cần chuẩn bị những quy định về việc xác định chủ thể trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.
Hồ Thị Ngọc Ánh

Hồ Thị Ngọc Ánh

https://luatcongty.vn Hồ Thị Ngọc Ánh là chuyên viên pháp lý của một công ty luật tại Hà Nội. Hiện tại Ngọc Ánh cũng đang là content editor của website luatcongty.vn

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.18499 sec| 1007.555 kb