Hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại

view 442
comment-forum-solid 0

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Hoài Thương – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Đặc thù của hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.

Đối tượng của hợp đồng mua bán là tài sản (vật, tiên, giấy tờ có giá và quyền tài sản). Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Trường hợp theo quy định của Luật, tài sản bị cấm hoặc bị hạn chế chuyển nhượng thì tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán phải phù hợp với các quy định đó.

Mặt khác, hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại cũng nằm trong nội hàm hợp đồng mua bán tài sản nhưng có những đặc thù riêng nên được Luật Thương mại năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019 quy định cụ thể, chi tiết hơn về chủ thể, đối tượng, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Nắm vững các đặc thù này sẽ giúp chúng ta thấu hiểu và vận dụng pháp luật một cách có lợi nhất trong giao dịch mua bán hàng hóa của mình.

Chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa

Chủ thể tham gia hợp đồng mua bán tài sản (hàng hóa) là các bên tham gia giao kết và thực hiện hợp đồng. Theo Bộ luật Dân sự năm 2015 thì các bên (chủ thể) có thể là cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác.

Trong đó, pháp nhân được chia thành hai loại đó là: pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại.

Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Cụ thể như: Công ty cổ phần, Công ty hợp danh, Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Doanh nghiệp tư nhân và Hợp tác xã.

Pháp nhân phi thương mại bao gồm: cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác.

Đối với quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài thì còn có sự tham gia của: tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài. Các chủ thể nêu trên đều có quyền tham gia giao kết và thực hiện hợp đồng để đạt được các quyền lợi hợp pháp của mình.

Theo khoản 3 Điều 8 Luật Thương mại năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019, mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận. Hợp đồng mua bán hàng hóa phải có ít nhất một bên là thương nhân còn bên kia có thể là thương nhân hoặc là cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không phải là thương nhân.

Thương nhân bao gồm: tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp (pháp nhân thương mại), cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Về mặt hình thức thì cá nhân, tổ chức kinh tế sau khi đăng ký kinh doanh thì trở thành thương nhân và có quyền tham gia giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa.

Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa

Trong hợp đồng mua bán hàng hóa thì cả bên mua và bên bán đều hướng tới hàng hóa, do đó hàng hóa là đối tượng của hợp đồng.

Hiểu theo nghĩa thông thường, hàng hóa là sản phẩm lao động của con người, được tạo ra nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu của con người. Dưới góc độ pháp lý, hàng hóa (trong quan hệ mua bán hàng hóa do Luật Thương mại năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019 điều chỉnh) là: tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai, những vật gắn liền với đất đai (Luật Thương mại năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019).

Nhóm hàng hóa là các động sản như: máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hàng tiêu dùng, cây trồng... kể cả các động sản hình thành trong tương lai. Động sản hình thành trong tương lai là động sản chưa hình thành tại thời điểm các bên ký kết hợp đồng. Ví dụ: Ngày 01/01/2019, Công ty may HT (bên bán) ký hợp đồng bán 1.000 bộ quần áo công nhân cho Công ty vận tải TL (bên mua) với thời hạn giao hàng (quần áo) vào ngày 01/6/2019. Tại thời điểm ký kết hợp đồng, chưa có quần áo, sau khi ký kết hợp đồng Công ty may HT mới tiến hành sản xuất theo mẫu mã, kiểu dáng đã được xác định trong hợp đồng, trong trường hợp này quần áo là động sản hình thành trong tương lai.

Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa là: nhà ở, văn phòng thương mại hoặc công trình xây dựng thương mại khác thì đây là hàng hóa đặc biệt, trước hết phải chịu sự điều chỉnh của luật chuyên ngành như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản về điều kiện mua bán, trình tự, thủ tục mua bán chuyển nhượng. Ngoài ra, những vấn đề luật chuyên ngành không điều chỉnh thì mới áp dụng Luật Thương mại năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019 hoặc Bộ luật Dân sự năm 2015.

Tóm lại, đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa chỉ là động sản (kể cả động sản hình thành trong tương lai) và những vật gắn liền với đất đai. Hàng hóa theo Luật Thương mại năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019 có phạm vi hẹp hơn so với khái niệm tài sản trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Ví dụ tài sản là: tiền, giấy tờ có giá cổ phiếu, trái phiếu), quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác thì việc mua bán, chuyển nhượng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019.

Mục đích của chủ thể hợp đồng

Mục đích của chủ thể hợp đồng thường được xác định thông qua tư cách pháp lý của chủ thể khi giao kết hợp đồng. Trong quan hệ mua bán hàng hóa không nhất thiết các bên đều là thương nhân (mà chỉ cần một bên là thương nhân), do đó, lợi nhuận có thể chỉ là mục đích của một bên chủ thể - thương nhân.

Để xác định được mục đích của các bên khi tham gia quan hệ mua bán hàng hóa thì phải xem xét từng trường hợp:

Trường hợp thứ nhất: hợp đồng mua bán giữa thương nhân với thương nhân. Trường hợp này, các thương nhân thực hiện việc mua bán hàng hóa đồng nghĩa với việc thực hiện hoạt động thương mại để nhằm mục đích sinh lời.

Ví dụ: Công ty xi măng BS (bên bán) ký hợp đồng mua bán xi măng với Công ty xây dựng HN (bên mua), mục đích của bên bán là sản xuất xi măng bán kiếm lời, còn mục đích của bên mua là mua xi măng để xây nhà và bán nhà để kiếm lời.

Trường hợp thứ hai: hợp đồng mua bán hàng hóa giữa thương nhân với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không phải là thương nhân. Trường hợp này chỉ có bên thương nhân nhằm mục đích kiếm lợi nhuận còn bên không phải là thương nhân thì hướng tới mục đích thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt hoặc tiêu dùng.

Ví dụ: ông Nguyễn Văn A (bên mua) ký hợp đồng mua bán bàn ghế của Công ty HP (bên bán). Trong quan hệ mua bán này chỉ có Công ty HP hướng tới mục đích tìm kiếm lợi nhuận, còn ông A hướng tới mục đích tiêu dùng - mua bàn ghế về sử dụng trong gia đình.

Như vậy, trong quan hệ mua bán hàng hóa luôn có sự tham gia của thương nhân và họ luôn hướng tới mục đích tìm kiếm lợi nhuận.

Xem thêm:

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy, đặc biệt cuốn sách Luật Kinh tế (chuyên khảo) của Tiến sĩ Nguyễn Thị Dung. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.
Luật sư Nguyễn Hoài Thương

Luật sư Nguyễn Hoài Thương

https://everest.org.vn/luat-su-nguyen-hoai-thuong/ Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương được biết đến là một luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp, hợp đồng, thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương gia nhập Công ty Luật TNHH Everest từ năm 2016 đến nay.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.01824 sec| 1030.43 kb