Hợp đồng xây dựng: những vấn đề pháp lý hậu COVID-19

Bởi Phạm Thị Yến Nhi - 16/06/2020
view 338
comment-forum-solid 0

Cho tới thời điểm hiện nay, đại dịch COVID-19 đã vượt đỉnh, dần dần được kiểm soát. Dẫu vậy,  những hậu quả về kinh tế, xã hội to do đại dịch này gây ra làm nổi lên nhiều vấn đề nóng cần tìm ra lời giải toàn diện, chặt chẽ nhằm góp phần quan trọng để sự ổn định trở lại sau một thời gian chúng ta “chống dịch như chống giặc”. Trong đó, ngành xây dựng với tư cách là một ngành kinh tế cơ bản, huyết mạch của quốc gia cũng đã hứng chịu những tổn thất hết sức to lớn. Đâu sẽ là giải pháp cho các doanh nghiệp, các chủ đầu tư và nhà thầu để họ có thể ứng phó tốt nhất với thứ dịch bệnh có một không hai trong lịch sử này?

Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 19006198

COVID-19 đã ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xây dựng như thế nào?

Sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 cho ngành xây dựng, đặc biệt là nhóm chủ đầu tư và nhà thầu là hiện thực rõ ràng, không phải bàn cãi.  Trước hết, hiển hiện trước mắt là sự thiết hụt nguồn nguyên liệu, nhân công, máy móc để đảm bảo thời hạn thực thi dự án. Chưa kể, nguồn vốn, dòng tiền tài chính, thời gian phê duyệt dự án hay nhiều thứ khác đã và đang là những khó khăn vô cùng lớn mà chủ đầu tư và nhà thầu phải vượt qua nếu muốn thực hiện đúng cam kết của mình. Không chỉ có vậy, những quyết định hành chính được đưa ra một cách nhanh chóng, mang tính điều chỉnh rất cao, trong đó đặc biệt là chỉ thị 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, bắt đầu từ 01/04/2020 cả nước thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập động người, người đứng cách người 2m. Do đó, mọi hoạt động xây dựng gần như đình trệ do các tỉnh, thành quán triệt thực nghiệm túc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Hơn nữa, với những địa phương được xác định là ổ dịch – khi có số lượng bênh nhân lớn, diễn biến vô cùng phức tạp cũng đã ra những quyết định hạn chế đi lại cũng đã ảnh hưởng lớn tới việc đảm bảo thực thi các hợp đồng xây dựng của các chủ thể có liên quan.

Như trên đã phân tích, những hạn chế, khó khăn do đại dịch COVID-19 gây nên đã tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các bên trong các dự án xây dựng trên khắp cả nước. Những lựa chọn, bước đi hợp lý, hợp pháp lúc này sẽ góp phần quan trọng bảo vệ quyền lợi và giảm thiểu thiệt hại tối đa cho các bên.

Chìa khóa pháp lý thứ nhất: Sự kiện bất khả kháng?

Căn cứ khoản 1 điều 156 Bộ luật Dân sư năm 2015, sự kiện bất khả kháng được định nghĩa như sau: Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp và khả năng cho phép. Theo đó, để đại dịch COVID-19 được xem là sự kiện bất khả kháng phải thỏa mãn 3 điều kiện: (i) yếu tố khách quan, (ii) không lường trước được, (iii), không thể khắc phục được. Xét về mặt pháp lý ở giai đoạn đầu, dịch này không được coi là sự kiện bất khả kháng, bởi thiếu đi yếu tố là “không thể khắc phục được”. Các bên vẫn có thể đảm bảo thực thi hợp đồng đã giao kết do chưa phải đối mặt với những khó khăn mang tính quyết định. Tuy nhiên, khi diễn biễn dịch ngày càng phức tạp, theo chiều hướng xấu đi, sự ra đời của những quyết định hành chính, lệnh giãn cách xã hội và nghiêm cấm tụ tập đông người cũng chính là thời khắc quyết định đại dịch COVID-19 có thể được xem là một sự kiến bất khả kháng trong quá trình thực thi và chấm dứt hợp đồng.

Ở một góc nhìn khác, nếu chỉ xét từ phương diện của một dịch bệnh thuần túy, quả thực các bên khó có thể bảo vệ quyền lợi và giải trừ nghĩa vụ của mình khi một mực đưa ra các căn cứ: không tuyển được lao động, không mua được nguyên liệu hay máy móc không thể vận hành,… do dịch bệnh. Liệu những nguyên do này có thỏa mãn điều kiện: (iii) không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp và khả năng cho phép?

Có thể nói, những lý do kể trên, bất kỳ bên nào trong hợp đồng đều dễ dàng kê ra, nhưng thật khó nếu có nó là căn cứ để COVID-19 là một sự kiện bất khả kháng. Bởi để các bên chứng minh được điều đó là không hề đơn giản.

Có lẽ, giải pháp tối ưu hơn cho các bên là tập trung vào các quyết định hành chính của Cơ quan nhà nước được đưa ra nhằm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Các quyết định này hoàn toàn dễ dàng hội tụ đủ 3 yếu tố: là một yếu tố khách quan, không thể lường trước và cũng không thể ngăn chặn được vì tình chất cấp bách và điều chỉnh hành vi trực tiếp của nó. Việc xác định xem đâu là sự kiện bất khả kháng trong tổng thể diễn biến của đại dịch COVID-19 là những căn cứ pháp lý quyết định giúp giải quyết những hậu quả, thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Trong trường hợp này khi có thiệt hại xảy ra, về nguyên tắc, người có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng, trên cơ sở nguyên tắc trung thực, thiện chí khi giao kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận lại, và cùng chia sẻ rủi ro với bên đối tác của mình.

Chìa khóa pháp lý thứ hai: Hoàn cảnh thay đổi cơ bản?

Với những phân tích trên đây, dễ dàng thấy được nếu coi đại dịch COVID-19 là cơ sở để mở chế định sự kiện bất khả kháng trong các hợp đồng xây dựng là khá phức tạp. Bởi, ngoài phải chứng minh sự kiện này hội tụ đủ 3 yếu tố cơ bản, căn cứ này còn phụ thuộc vào các quy định cụ thể trong từng hợp đồng cũng như chứng minh ảnh hưởng thực tế (-không thể khắc phục được, dù đã áp dụng mọi biện pháp trong nguồn lực và khả năng cho phép) của đại dịch COVID-19 với việc thực hiện hợp đồng.

Rõ ràng, sẽ dễ dàng hơn cho các bên khi tìm kiếm một chế định mới, khác nhưng vô cùng hữu hiệu trong Bộ luật Dân sự năm 2015, đó là chế định thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Theo đó, tại điều 420 Bộ luật này quy định, hoàn cảnh thay đổi khi có đủ các điều kiện sau đây: (i) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra giao kết hợp đồng; (ii) tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh; (iii) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác; (iv) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên; (v) bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

Như vậy, xuất phát từ diễn biến thực tế của đại dịch cùng với các quyết sách của cơ quan nhà nước nhằm ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, các bên liên quan có thể sử dụng chế định trên nhằm bảo vệ tốt nhất lợi ích của các bên. Bằng nhiều cách, các doanh nghiệp xây dựng vẫn có thể tìm kiếm được nguồn lao động, máy móc, nhiên nguyên liệu cho các hoạt động thực hiện hợp đồng của mình. Thế nhưng, một bên trong hợp đồng sẽ phải chịu thiệt hại rất lớn so với dự kiến ban đầu. Cách thức phù hợp và hiệu quả cho các bên lúc này chính là thương lượng lại trong Hợp đồng. Còn nếu không thương lượng được, tức nguyên tắc thiện chí đã không được các bên tôn trọng, tất yếu chỉ các bên chỉ có thể nhờ Tòa án hoặc Trọng tài tuyên chấm dứt hợp đồng.

COVID-19: Bài học kinh nghiệm cho các bên khi giao kết hợp đồng xây dựng

Hợp đồng được giao kết là kết quả gặp gỡ ý chí của các chủ thể tham gia, là luật của các bên trong quá trình thực thi và chấm dứt hợp đồng. Chính vì vậy, để tránh những khó khăn và tranh chấp không đáng có, các chủ thể giao kết nên có những thỏa thuận rõ ràng, cụ thể từng điều kiện để các bên có thể nại ra khi tình hình thực tế có sự thay đổi quyết định đến việc thực thi hay chấm dứt hợp đồng. Hơn nữa, ngoài việc đưa ra các điều kiện, các bên còn có thể thỏa thuận những quy định rõ ràng về hệ quả, cách thức xử lý khi sự kiện bất khả kháng xảy ra. Chưa hết, nghĩa vụ thông báo, chứng minh khi có sự kiện bất khả kháng xảy ra để giảm bớt tối đa những thiệt hại phát sinh cũng là những vấn đề đáng lưu ý khi các bên giao kết hợp đồng xây dựng nói riêng và các loại hợp đồng khác sau này.

Nói tóm lại, với các doanh nghiệp xây dựng hiện nay, vấn đề thực thi đúng hợp đồng hay không đang đặt ra nhiều vấn đề phức tạp bởi nó gắn chặt với quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia. Chế định pháp lý nào cần được nại ra nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi và nghĩa vụ của họ là vô cùng cấp thiết. Chính bởi vậy, doanh nghiệp cần những hiểu biết rõ ràng về các vấn đề pháp lý và sự kiện pháp lý là vô cùng quan trọng.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại. 2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết. 3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

 
Phạm Thị Yến Nhi

Phạm Thị Yến Nhi

https://luatcongty.vn Phạm Thị Yến Nhi một cô gái nhiệt tình, vui vẻ và yêu đời. Có niềm đam mê với việc viết lách, thích tìm hiểu, phân tích các vấn đề pháp lý khác nhau để tạo thêm nhiều giá trị cho bản thân. Vì vậy rất mong muốn được chia sẽ những kiến thức mà mình học hỏi và tìm hiểu đến bạn đọc. Các bài viết của Yến Nhi trên website luatcongty.vn là những kiến thức mà Nhi muốn chia sẻ đến mọi người

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.95883 sec| 1003.766 kb