Các công ty khởi nghiệp (startups) đi huy động vốn ở các quỹ đầu tư, các công ty đầu tư tài chính không còn là chuyện hiếm thấy ở thời điểm hiện tại. Đây là một trong các bước trưởng thành của hầu hết start-up. Tuy nhiên, đây cũng là quá trình không hề dễ dàng.
Chuyên viên tư vấn pháp luật doanh nghiệp – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198Vấn đề các cổ đông sáng lập (founders) thường gặp phải khi thỏa thuận giá với nhà đầu tư là các nhà đầu tư thường định giá công ty thấp hơn kỳ vọng của founders (giá trước khi có vốn góp của nhà đầu tư: pre - money). Loại trừ các yếu tố chủ quan thì lý do các nhà đầu tư định giá các startups thấp hơn giá founders muốn, thậm chí thấp hơn cả mệnh giá (có nghĩa là thấp hơn vốn điều lệ đăng ký) và thấp hơn cả giá trị sổ sách thường là số vốn thực góp của các founders đang thấp hơn vốn đăng ký, công ty đang bị lỗ "ăn” cả vào vốn chủ sở hữu.
Như vậy, nếu nhà đầu tư chấp nhận đầu tư vào công ty thì đồng nghĩa với việc công ty sẽ phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư với giá phát hành thấp hơn mệnh giá và/hoặc giá trị sổ sách, tuy nhiên, mệnh giá và giá trị sổ sách lại là hai con số định lượng mà luật doanh nghiệp lấy làm mốc giá sàn để làm cơ sở cho giá phát hành, đây là điểm cả founders và nhà đầu tư cần phải lưu ý.
Mệnh giá cổ phiếu đại diện cho vốn điều lệ đăng ký của công ty, vốn điều lệ bằng tổng mệnh giá của tất cả các cổ phần và thường là 10.000đ/cổ phần, nếu giá phát hành thấp hơn mệnh giá có nghĩa là số tiền thực tế công ty nhận được sẽ thấp hơn số tiền tăng lên được ghi nhận ở vốn điều lệ trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đây có thể được hiểu là hành vi kê khai khống vốn điều lệ và bị cấm theo quy định của luật doanh nghiệp.
Mặc dù đối với công ty đại chúng, một số trường hợp đã được Ủy ban chứng khoán nhà nước chấp thuận nếu chứng minh có đủ nguồn vốn chủ sở hữu bù đắp khoảng chênh lệch, tuy nhiên điều này cũng chưa đủ để trở thành tiền lệ áp dụng cho cả các công ty chưa đại chúng. Vì vậy, công ty có thể gặp khó khăn về thủ tục hành chính khi làm thủ tục tăng vốn tại các Sở Kế hoạch & Đầu tư.
Luật doanh nghiệp quy định giá bán cổ phiếu không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm chào bán hoặc giá trị sổ sách của cổ phần tại thời điểm gần nhất trừ trường hợp công ty đang trong vòng gọi vốn cổ phần đầu tiên với đối tượng không phải cổ đông sáng lập. Đối với các startups là các công ty chưa niêm yết cổ phiếu nên không thể xác định được giá thị trường của cổ phiếu, giá trị sổ sách được tính theo công thức = (tổng tài sản - nợ phải trả)/tổng số cổ phần, như vậy có thể thấy nếu công ty đang vay nợ lớn, kinh doanh thua lỗ thì giá trị sổ sách sẽ càng thấp, tuy vậy nhà đầu tư cũng không thể trả giá thấp hơn giá trị sổ sách nếu không thuộc trường hợp ngoại trừ (ngoài ra công ty cũng có thể quy định về mức chiết khấu cụ thể trong điều lệ).
Vấn đề đặt ra là nếu các bên đồng ý giá phát hành thấp hơn giá trị sổ sách thì hậu quả pháp lý gì sẽ xảy ra? Vấn đề này cũng chưa có tiền lệ giải quyết, theo ý kiến cá nhân của người viết, giao dịch này không loại trừ rủi ro bị vô hiệu một phần do vi phạm điều cấm của pháp luật.
Các vướng mắc trên hoàn toàn có thể là cản trở cho các founders và nhà đầu tư trong quá trình thương lượng, bên cạnh việc gặp nhau ở một khoảng giá hợp lý, các bên cần lưu ý đến các rủi ro pháp lý có thể xảy ra vì đó là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công của giao dịch.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm