Quy định về cổ đông sáng lập trong pháp luật Việt Nam

Bởi Phạm Thị Yến Nhi - 28/08/2020
view 302
comment-forum-solid 0

Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần (CTCP). Còn CĐSL là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập CTCP.

Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198

Quy định về cổ đông sáng lập trong pháp luật Việt Nam

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thay thế Luật Doanh nghiệp năm 2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2015, khái niệm cổ đông và cổ đông sáng lập (CĐSL) được hiểu như sau:
Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần (CTCP). Còn CĐSL là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập CTCP. Theo đó, khái niệm CĐSL được hiểu ở các góc độ sau:
Một là, khái niệm CĐSL là cổ đông chỉ tồn tại trong mô hình CTCP, không tồn tại ở các loại hình công ty khác. Bởi lẽ, đặc thù của CTCP là vốn điều lệ của công ty phải được chia ra thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần và nhà đầu tư (cá nhân, tổ chức) sở hữu cổ phần tại CTCP được gọi là cổ đông, còn chủ thể sáng lập công ty được gọi là CĐSL. Trong khi ở các loại hình công ty khác như công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên hoặc công ty hợp danh, nhà đầu tư góp vốn thành lập các công ty này được gọi là thành viên công ty và người sáng lập ra các công ty này được gọi là thành viên sáng lập, không đồng nhất với khái niệm CĐSL ở mô hình CTCP. Sở dĩ có sự khác biệt trên là do cấu trúc vốn điều lệ của CTCP phải được chia thành các cổ phần có mệnh giá bằng nhau (theo quy định của pháp luật chứng khoán thì mệnh giá cổ phần trong các CTCP đều bằng nhau là 10.000 đồng/cổ phần), điều này không diễn ra trong mô hình công ty TNHH hoặc công ty hợp danh.
Hai là, CĐSL cũng chỉ là cổ đông phổ thông. Bởi lẽ, hiểu theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Doanh nghiệp năm 2014, điều kiện bắt buộc để trở thành CĐSL là nhà đầu tư đó phải sở hữu tối thiểu 1 cổ phần phổ thông – loại cổ phần bắt buộc phải có trong mọi CTCP tại Việt Nam (khác với các loại cổ phần ưu đãi không nhất thiết phải có trong CTCP). Từ đó, có thể suy luận rằng, thực chất CĐSL cũng chỉ là cổ đông phổ thông do họ có nắm giữ cổ phần phổ thông. CĐSL có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông như quyền chuyển nhượng cổ phần, quyền tham dự họp, phát biểu, biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông, quyền được ưu tiên mua cổ phần mới phát hành, quyền được hưởng cổ tức từ hoạt động kinh doanh của công ty, nếu họ nắm giữ từ 10% cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng (hoặc tỷ lệ nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty) thì họ còn có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát… Các quyền này có thể không có ở một số cổ phần ưu đãi. Chẳng hạn, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết thì không được chuyển nhượng cổ phần này do quy định cấm đoán tại Luật Doanh nghiệp năm 2014. Trong khi cổ đông ưu đãi hoàn lại và cổ đông ưu đãi cổ tức thì lại không được tham dự họp, biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông, không có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, kể cả tại Luật Doanh nghiệp năm 2005 trước đó.
Ba là, CĐSL có thể là cá nhân, tổ chức. Bản chất của CTCP là công ty đối vốn, có quyền phát hành cổ phiếu để huy động vốn trong công chúng để phục vụ cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, pháp luật doanh nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới đều có quy định thông thoáng về chủ thể tham gia CTCP theo hướng không đặt điều kiện nhà đầu tư đó phải là một cá nhân hoặc một tổ chức nhất định. So sánh với mô hình công ty hợp danh thì tư cách của nhà đầu tư tham gia công ty có sự khác biệt lớn. Do bản chất pháp lý của công ty hợp danh là công ty đối nhân nên các sáng lập viên của công ty này là thành viên hợp danh phải là cá nhân, không thể là pháp nhân. Trong khi CĐSL tham gia CTCP rất đa dạng, không giới hạn phải là cá nhân hoặc là tổ chức. Thực tế, có những CTCP mà thành phần chủ thể tham gia thành lập chỉ bao gồm nhà đầu tư cá nhân hoặc chỉ gồm nhà đầu tư tổ chức (các quỹ đầu tư, các ngân hàng thương mại, các công ty kinh doanh chứng khoán, các công ty góp vốn vào CTCP nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận) hoặc cũng có những CTCP có sự cộng hưởng giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức là điều thường thấy trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014, để trở thành CĐSL của CTCP thì nhà đầu tư cá nhân phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc các trường hợp bị cấm thành lập, cấm quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Ngoài ra, đối với nhà đầu tư là tổ chức muốn tham gia thành lập CTCP thì tổ chức đó phải có tư cách pháp nhân (pháp nhân phải hội đủ 4 điều kiện quy định tại Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015)

Về khái niệm cổ đông sáng lập

Hoa Kỳ là một nhà nước liên bang và có nền kinh tế lớn nhất thế giới, cấu thành bởi trên 50 tiểu bang trải dài từ Tây sang Đông, với 2 hệ thống hiến pháp và pháp luật cùng tồn tại song hành nên quy định của pháp luật tại các tiểu bang của Hoa Kỳ về hình sự, dân sự, đầu tư, doanh nghiệp có thể không đồng nhất. Dù đã có một đạo luật thống nhất về thương mại ban hành năm 1990 (UCC 1990) song Hoa Kỳ không có một đạo luật công ty thống nhất cho cả liên bang. Pháp luật tại các tiểu bang của Hoa Kỳ cũng có những cách tiếp cận khác nhau ở các quy định về CTCP nói chung và khái niệm về CĐSL nói riêng. Cụ thể: Luật Công ty của Tiểu bang Texas hoàn toàn không nêu khái niệm CĐSL mà chỉ có khái niệm cổ đông. Theo đó, cổ đông là người mà tên của họ được ghi trên cổ phần phát hành của công ty, được đăng ký trong hồ sơ chuyển nhượng cổ phần và được lưu trữ bởi công ty[2]. Theo quy định của pháp luật tiểu bang California, CĐSL được hiểu đơn giản là những người có ký tên vào bản điều lệ của CTCP.

Về số lượng cổ đông sáng lập

Theo quy định của pháp luật Thái Lan, để thành lập một CTCP thì cần ít nhất 15 cổ đông là thể nhân, có điều lệ công ty và tuân thủ các quy định khác tại Luật CTCP[10]. Pháp luật Australia quy định, các công ty nói chung và CTCP nói riêng khi thành lập thì chỉ cần ít nhất 1 nhà đầu tư[11]. Tại Đài Loan, để thành lập CTCP thì cần 1 hoặc từ 2 CĐSL[12]. Luật Công ty Thụy Điển năm 2005 quy định, các công ty TNHH lẫn CTCP phải có ít nhất 1 CĐSL hoặc nhiều hơn tại thời điểm thành lập, nhưng CĐSL phải là 1 thể nhân hoặc 1 pháp nhân có nơi cư trú hoặc có trụ sở tại khu vực kinh tế Âu Châu hoặc tại Thụy Điển; nếu là một cá nhân người Thụy Điển thì phải có năng lực pháp lý[13]. Pháp luật Cộng hoa liên bang Đức và Cộng hòa liên bang Nga cho phép một CTCP có thể được thành lập bởi 1 hoặc nhiều cổ đông. Việc thành lập CTCP tại Nga đòi hỏi phải thông qua một Hội nghị thành lập bao gồm nhiều CĐSL (nếu chỉ có 1 CĐSL thì cổ đông này tự ra quyết định thành lập). Tại Hội nghị thành lập này, các CĐSL sẽ biểu quyết theo tỷ lệ ¾ để bầu ra các cơ quan quản trị của CTCP[14]. Tại Nhật Bản, khi thành lập CTCP thì các cổ đông sáng lập phải có trách nhiệm chuẩn bị điều lệ công ty và ký tên, ghi rõ họ tên (kể cả đóng dấu nếu có) vào bản điều lệ của công ty

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.
Phạm Thị Yến Nhi

Phạm Thị Yến Nhi

https://luatcongty.vn Phạm Thị Yến Nhi một cô gái nhiệt tình, vui vẻ và yêu đời. Có niềm đam mê với việc viết lách, thích tìm hiểu, phân tích các vấn đề pháp lý khác nhau để tạo thêm nhiều giá trị cho bản thân. Vì vậy rất mong muốn được chia sẽ những kiến thức mà mình học hỏi và tìm hiểu đến bạn đọc. Các bài viết của Yến Nhi trên website luatcongty.vn là những kiến thức mà Nhi muốn chia sẻ đến mọi người

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.06096 sec| 991.766 kb