Nội dung bài viết [Ẩn]
Báo cáo tài chính là tài liệu quan trọng của một doanh nghiệp. Việc lập, trình bày, nộp báo cáo tài chính được pháp luật quy định rất cụ thể . Vậy hành vi vi phạm quy định về báo cáo tài chính sẽ bị xử phạt hành chính như thế nào?
Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198Theo Luật Kế toán năm 2015, Báo cáo tài chính là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được trình bày theo biểu mẫu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán. Báo cáo tài chính là một loại tài liệu kế toán.
Báo cáo tài chính dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế.
Một trong những yêu cầu kế toán là phải phản ánh đầy đủ nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh vào chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính.
Hằng năm, doanh nghiệp phải lập báo cáo tài chính theo mẫu cụ thể được pháp luật quy định, bao gồm:
(i) Bảng cân đối kế toán
(ii) Báo cáo kết quả kinh doanh
(iii) Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
(iv) Bản thuyết minh báo cáo tài chính
Có thể chia vi phạm liên quan đến báo cáo tài chính thành vi phạm quy định về lập, trình bày báo cáo và vi phạm quy định về nộp, công khai báo cáo. Cụ thể các hình thức xử phạt hành chính đối với từng trường hợp được quy định tại Nghị định 41/2018/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập như sau:
Các mức phạt tiền đối với vi phạm quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính như sau:
(i) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với các hành vi: Lập báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung hoặc không đúng biểu mẫu theo quy định; Báo cáo tài chính không có chữ ký của người lập, kế toán trưởng, phụ trách kế toán hoặc người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán. (Mức phạt áp dụng với cá nhân vi phạm. Đối với tổ chức vi phạm, áp dụng mức phạt gấp đôi đối với hành vi tương tự).
(ii) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các hành vi: Lập không đầy đủ các báo cáo tài chính theo quy định; Áp dụng mẫu báo cáo tài chính khác với quy định của chuẩn mực và chế độ kế toán trừ trường hợp đã được Bộ Tài chính chấp thuận (Mức phạt áp dụng với tổ chức vi phạm).
(iii) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với các hành vi: Không lập báo cáo tài chính theo quy định; Lập báo cáo tài chính không đúng với số liệu trên sổ kế toán và chứng từ kế toán; Lập và trình bày báo cáo tài chính không tuân thủ đúng chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán (Mức phạt áp dụng với tổ chức vi phạm).
(iv) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với các hành vi: Giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự
(v) Cố ý, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (Mức phạt áp dụng với tổ chức vi phạm).
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc lập và trình bày báo cáo tài chính theo đúng chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán; Buộc tiêu hủy báo cáo tài chính bị giả mạo, khai man
Xử phạt hành vi vi phạm quy định về nộp và công khai báo cáo tài chính
(Các mức phạt đều áp dụng cho tổ chức vi phạm)
(i) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi:
Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định. Đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị kế toán là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh phải nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm; đối với các đơn vị kế toán khác, thời hạn nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày.
Công khai báo cáo tài chính chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định. Theo quy định, đơn vị kế toán không sử dụng ngân sách nhà nước, đơn vị kế toán có sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân phải công khai báo cáo tài chính năm trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nộp báo cáo tài chính. Đơn vị kế toán thuộc hoạt động kinh doanh phải công khai báo cáo tài chính năm trong thời hạn 120 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Trường hợp pháp luật về chứng khoán, tín dụng, bảo hiểm có quy định cụ thể về hình thức, thời hạn công khai báo cáo tài chính khác với quy định của Luật này thì thực hiện theo quy định của pháp luật về lĩnh vực đó.
(ii) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các hành vi: Công khai báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung theo quy định; Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đính kèm báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật quy định phải kiểm toán báo cáo tài chính; Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định; Công khai báo cáo tài chính không kèm theo báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật yêu cầu phải kiểm toán báo cáo tài chính; Công khai báo cáo tài chính chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định
(iii) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với các hành vi: Thông tin, số liệu công khai báo cáo tài chính sai sự thật; Cung cấp, công bố các báo cáo tài chính để sử dụng tại Việt Nam có số liệu không đồng nhất trong một kỳ kế toán
(iv) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với các hành vi: Không nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Không công khai báo cáo tài chính theo quy định
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp và công khai báo cáo kiểm toán đính kèm báo cáo tài chính đối với hành vi vi phạm liên quan.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm