Từ cuối thế kỷ XIX, khái niệm kiểu dáng công nghiệp đã xuất hiện, gắn liền với khái niệm về quyền sở hữu công nghiệp. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế cũng như sự phát triển của khoa học công nghệ và các sáng tạo trong kinh doanh, kiểu dáng công nghiệp ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, trên thế giới hiện có nhiều khái niệm khác nhau về đối tượng sở hữu trí tuệ này.
Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198Theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO): “Kiểu dáng công nghiệp là các khía cạnh mang tính chất trang trí hay thẩm mỹ của sản phẩm. Kiểu dáng có thể bao hàm các khía cạnh ba chiều, ví như hình dạng hoặc bề mặt của sản phẩm, hoặc các khía cạnh hai chiều, ví như mẫu hoa văn, đường nét hoặc màu sắc”.
Theo định nghĩa này, kiểu dáng công nghiệp có thể được hiểu theo một nghĩa rất rộng. Đầu tiên, nó được xác định ở tính chất trang trí hay thẩm mỹ của nó. Bên cạnh đó, nó cũng được xác định bằng biểu hiện bên ngoài của sản phẩm như họa tiết, đường nét, màu sắc hoặc ba chiều như hình khối, kết cấu của sản phẩm.
Theo pháp luật của Hoa Kỳ, một trong những nước phát triển hàng đầu về sở hữu trí tuệ, thì “Kiểu dáng bao gồm các đặc tính trang trí được thể hiện hay áp dụng trong một sản phẩm. Vì kiểu dáng được thể hiện ở hình dáng bên ngoài nên các đối tượng bảo hộ kiểu dáng có thể là hình dạng của một sản phẩm, là trang trí mặt ngoài của một sản phẩm, hay là sự kết hợp giữa hình dạng và trang trí bên ngoài. Một kiểu dáng trang trí bề ngoài không thể tách rời khỏi sản phẩm mà nó trang trí và do vậy không thể tự thân tồn tại một mình được”.
Như vậy, đặc tính quan trọng nhất của kiểu dáng công nghiệp là các đặc tính trang trí. Theo pháp luật Hoa kỳ, điểm mấu chốt của KDCN là nhất thiết phải gắn liền với sản phẩm mà nó trang trí, nghĩa là không có dạng KDCN tự thân tồn tại một mình.
Theo pháp luật Việt Nam, từ trước khi có Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật dân sự 1995 đã quy định: “Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố đó, có tính mới đối với thế giới và dùng làm mẫu để chế tạo sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp”.
Hiện nay, tại khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định: “Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này”.
Theo định nghĩa này, có thể hiểu, kiểu dáng công nghiệp đơn thuần là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, hay là hình dáng bên ngoài của sản phẩm kết hợp với họa tiết, là hình dáng bên ngoài của sản phẩm kết hợp với màu sắc, hoặc là hình dáng bên ngoài của sản phẩm kết hợp cả họa tiết, màu sắc.
Như vậy, với tư cách là một đối tượng của sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp chỉ để cập đến các khía cạnh thẩm mỹ hoặc hình dáng bên ngoài của sản phẩm chứ không thể hiện các đặc điểm kỹ thuật hoặc chức năng bên trong của sản phẩm. Cách định nghĩa này của pháp luật Việt Nam cũng có nét tương đồng với định nghĩa của các nước trên thế giới khi khẳng định kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm và luôn gắn liền với sản phẩm.
Mặc dù các định nghĩa trên không đề cập đến các đặc điểm kỹ thuật hoặc chức năng của sản phẩm, tuy nhiên, kiểu dáng công nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng đối với sản phẩm, vì nó là cái nhìn đầu tiên của người tiêu dùng về sản phẩm. Do đó, ngoài chức năng phân biệt hình dáng, màu sắc giữa các sản phẩm cùng loại, kiểu dáng công nghiệp còn có chức năng thẩm mỹ, hấp dẫn thị hiếu người tiêu dùng thông qua những hình dáng và màu sắc đặc trưng riêng của sản phẩm đó.
Hình dáng bên ngoài của sản phẩm cũng là yếu tố quan trọng trong việc góp phần nâng cao tiện ích của sản phẩm, giúp cho sản phẩm được sử dụng thuận lợi và phổ biến. Kiểu dáng công nghiệp luôn luôn mang tính thẫm mỹ, làm cho sản phẩm đẹp hơn, kích thích thị hiếu của người tiêu dùng muốn mua hàng nhiều hơn, qua đó làm tăng lợi nhuận cho nhà sản xuất.
Điểm mấu chốt trong các khái niệm trên là kiểu dáng công nghiệp phải có khả năng áp dụng công nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm, tái tạo bằng phương pháp công nghiệp hay thủ công nghiệp. Nếu không có yếu tố này thì không phải là kiểu dáng công nghiệp mà là sự sáng tạo nghệ thuật (thuộc bản quyền tác giả). Tuy nhiên, các yếu tố như tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp không phải là điều kiện tiên quyết để xác định thế nào là kiểu dáng công nghiệp, mà đó chỉ là điều kiện để đăng ký bảo hộ một đối tượng với danh nghĩa là kiểu dáng công nghiệp.
Xem thêm: Đăng ký kiểu dáng công nghiệp cần những thủ tục gì?
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm