Tác giả, đồng tác giả hay tập thể tác giả là những khái niệm luôn gây ra sự nhầm lẫn trong việc nhận diện và xác định các quyền, lợi ích hợp pháp liên quan. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Công ty Luật TNHH Everest tìm hiểu các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ về đồng tác giả cũng như sự khác nhau giữa đồng tác giả với tác giả hay tập thể tác giả như thế nào?
1. Đồng tác giả là gì?
Theo Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP, đồng tác giả là những tác giả cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.
Như vậy, có thể hiểu đồng tác giả là nhiều cá nhân hợp tác để cùng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm.
2. Những trường hợp nào được coi là đồng tác giả?
Những trường hợp sau đây sẽ được coi là đồng tác giả:
(i) Phải có ít nhất 02 người trở lên cùng tham gia đóng góp công sức tạo nên tác phẩm.
(ii) Cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.
Tuy nhiên, cần làm rõ thế nào là trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm. Sáng tạo trong quan hệ pháp luật dân sự về quyền tác giả là việc “sử dụng sức lao động và khả năng suy luận” để tạo ra tác phẩm. Theo đó, sáng tạo được hiểu là việc tạo ra tác phẩm từ lao động trí óc của con người. Như vậy, chỉ những người trực tiếp làm ra tác phẩm thông qua hoạt động của tư duy sáng tạo mới được coi là đồng tác giả. Kết quả của lao động do tư duy sáng tạo mang lại phải định hình dưới dạng vật chất nhất định.
Theo Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP, trường hợp người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là đồng tác giả.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý đăng ký bản quyền tác giả của Công ty Luật TNHH Everest
3. Quyền của các đồng tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ
Đồng tác giả về cơ bản có đầy đủ các quyền như tác giả thông thường. Tuy nhiên, giữa quyền đối với tác giả đồng thời là chủ sở hữu của tác phẩm và tác giả không đồng thời là chủ sở hữu của tác phẩm có một số điểm khác nhau như sau:
(i) Trường hợp đồng tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để cùng sáng tạo ra tác phẩm thì sẽ có chung các quyền đối với tác phẩm đó. Với tư cách là đồng tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm thì được hưởng những quyền nhân thân và các quyền tài sản đối với tác phẩm đó quy định tại Điều 19, Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019).
(ii) Trường hợp đồng tác giả cùng tạo ra tác phẩm vì nhiệm vụ hoặc hợp đồng thì sẽ chỉ có quyền nhân thân mà không có các quyền tài sản.
Quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm do các đồng tác giả tạo ra thường được chia làm 2 trường hợp tương ứng với 2 loại tác phẩm sở hữu chung:
(i) Tác phẩm được coi là sở hữu chung từng phần: Các đồng tác giả sáng tạo ra tác phẩm có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm ảnh hưởng xấu đến phần của các đồng tác giả khác thì có các quyền tài sản và quyền nhân thân đối với phần riêng biệt đó.
(ii) Tác phẩm được coi là đồng sở hữu chung duy nhất: Mặc dù từng đồng tác giả sáng tạo ra từng phần nhưng những phần đó không thể tách rời mà phải nằm trong thể thống nhất, nếu sử dụng độc lập từng phần sẽ gây ảnh hưởng đến cả tác phẩm và quyền lợi của các đồng tác giả khác. Chính vì thế, việc sử dụng và định đoạt tác phẩm phải được sự đồng ý của tất cả đồng tác giả. Trường hợp đồng tác giả chết thì quyền này sẽ thuộc về người thừa kế hợp pháp của người đó.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý đăng ký nhãn hiệu của Công ty Luật TNHH Everest
4. Sự khác nhau giữa đồng tác giả và tác giả tập thể là gì?
Đồng tác giả là những tác giả cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Quyền của đồng tác giả cũng sẽ tùy vào từng trường hợp mà sẽ có sự khác biệt. Tuy nhiên các chủ sở hữu quyền tác giả là đồng tác giả thông thường sẽ được hưởng đầy đủ các quyền nhân thân và quyền tài sản. Trường hợp đồng tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm sẽ không có các quyền tài sản.
Còn tập thể tác giả có thể hiểu là những người cùng trực tiếp sáng tạo nên tác phẩm. Tuy nhiên không giống với đồng tác giả, tập thể tác giả chỉ có thể được áp dụng đối với tác phẩm sân khấu và điện ảnh. Dù là tập thể nhưng mỗi chủ thể tác giả có thể làm một phần tác phẩm tách biệt nhau và tổng hợp các phần tạo nên một tác phẩm thống nhất và hoàn chỉnh. Trong tập thể tác giả thì các tác giả sẽ được hưởng các quyền nhân thân (trừ quyền công bố tác phẩm) và được nhận tiền thù lao từ chủ sở hữu. Còn quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm sẽ thuộc về tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính; cơ sở vật chất, kỹ thuật để sản xuất tác phẩm.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý thành lập doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest
5. Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các luật sư, chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 024 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm