Tư vấn pháp luật trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư của dự án đầu tư

view 151
comment-forum-solid 0

Khi một nhà đầu tư nước ngoài có ý định đầu tư vào Việt Nam, họ hiểu rằng họ sẽ phải kinh doanh trong một môi trường mới. Do vậy, nhu cầu tự nhiên là khách hàng sẽ cần tư vấn về những vấn đề pháp lý chung về đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt là giai đoạn chuẩn bị đầu tư của một dự án đầu tư, nhà đầu tư sẽ cần hỗ trợ, tư vấn từ Luật sư Everest.

dự án đầu tư Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Duy Hội – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Tư vấn sơ bộ về hoạt động của một dự án đầu tư

Đối với giai đoạn chuẩn bị đầu tư của một dự án, Luật sư Everest sẽ tiến hành rà soát, tư vấn cho khách hàng trên các vấn đề sau: 

(i) Những vấn đề chung về đầu tư tại Việt Nam như: Chính sách đầu tư của Việt Nam, bảo hộ đầu tư, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư, ưu đãi đầu tư, việc giải thích pháp luật, khả năng đầu tư với tư các cá nhân hoặc công ty.

(ii) Các loại hình kinh doanh như: Các loại hình kinh doanh (có nhân kinh doanh, văn phòng đại diện, chi nhánh, doanh nghiệp, kinh doanh theo hợp đồng...); ưu điểm và nhược điểm của các loại hình kinh doanh; khả năng chuyển đổi các loại hình kinh doanh.

(iii) Dự án đầu tư như: Yêu cầu về dự án đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam; khả năng điều chỉnh, hoãn, giãn tiến độ dự án; khả năng chuyển nhượng dự án;

(iv) Vốn và cấu trúc vốn như: Quy định về vốn đầu tư và vốn điều lệ, vốn vay và vốn chủ sở hữu; yêu cầu về vốn tối thiểu cần có cho hoạt động đầu tư; thời hạn góp vốn; khả năng điều chỉnh vốn; định giá tài sản góp vốn; trách nhiệm do không góp, chậm góp vốn; khả năng rút vốn hoặc chuyển lợi nhuận về nước.

(v) Người quản lý doanh nghiệp như: Việc bổ nhiệm và bãi miễn người quản lý doanh nghiệp; tiêu chuẩn người quản lý doanh nghiệp, điều kiện cư trú của người quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam; quy định về thị thực và giấy phép lao động; trách nhiệm và quyền hạn của người quản lý doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

(vi) Thuế: Các loại thuế áp dụng cho hoạt động kinh doanh; quy định về ưu đãi thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế...; quy định về chuyển giá.

(vii) Các vấn đề khác như sở hữu trí tuệ, lao động, đất đai...

Những tư vấn pháp lý trong giai đoạn này rất quan trọng và mang tính định hướng, do vậy, cần được đưa ra một cách đầy đủ và cẩn trọng. Với hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn các dự án đầu tư trong và ngoài nước, các luật sư Công ty Luật TNHH Everest có thể tư vấn, đưa ra những lời khuyên sát nhất, để dự án đầu tư có thể đi vào hoạt động.

Thông tin luật sư cần có từ khách hàng đối với một dự án đầu tư

Để có thể thực hiện tốt việc tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư của một dự án đầu tư, Luật sư cần nắm được đầy đủ:

(i) Bối cảnh yêu cầu của khách hàng và các ưu tiên của khách hàng

Khi liên hệ với Luật sư để được tư vấn, thông thường khách hàng đã có ý định đầu tư vào Việt Nam, nghĩa là khách hàng đã có những chuẩn bị cho việc đầu tư. Vì vậy, yêu cầu đầu tiên đối với Luật sự tư vấn là nắm được bối cảnh yêu cầu của khách hàng.

Bối cảnh yêu cầu của khách hàng là toàn bộ các thông tin chung nhất về kế hoạch đầu tư của khách hàng tính đến thời điểm yêu cầu tư vấn. Bối cảnh tư vấn có thể bao gồm ý định đầu tư, dự án đầu tư, đối tác, tình hình hợp tác với đối tác, mức độ quan trọng và cấp thiết của việc đầu tư...

Sau khi đã nắm được bối cảnh yêu cầu, Luật sư Everest sẽ làm rõ với khách hàng về nội dung yêu cầu và mong muốn của khách hàng trong dự án đầu tư mà họ sẽ hoặc đang thực hiện, hơn nữa Luật sư cần xác định được các ưu tiên của khách hàng trong dự án đó. Ưu tiên có thể là tối đa hóa lợi ích thu được, giảm thiểu rủi ro, bảo đảm an toàn pháp lý, hoặc rút ngắn thời gian thực hiện công việc...

(ii) Các thông tin cơ bản về kế hoạch kinh doanh của khách hàng - Tư cách của nhà đầu tư nhà đầu tư cá nhân hay nhà đầu tư tổ chức)

Một số lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam yêu cầu nhà đầu tư phải là tổ chức hoặc yêu cầu chứng minh kinh nghiệm và năng lực tại nước ngoài trước khi đầu tư vào Việt Nam - mà các yêu cầu đó chỉ có nhà đầu tư là tổ chức mới đáp ứng được như yêu cầu về vốn pháp định tại nước ngoài, thời gian hoạt động tại nước ngoài... Đồng thời, việc xác định nhà đầu tư là cá nhân hay tổ chức cũng sẽ quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác như loại hình doanh nghiệp, mô hình doanh nghiệp sẽ được áp dụng, hồ sơ đăng ký dự án, yêu cầu về visa, giấy phép lao động...

(iii) Quốc tịch của nhà đầu tư

Các thông tin quan trọng này sẽ xác định hoạt động đầu tư của nhà đầu tư sẽ được xem là đầu tư trong nước hay đầu tư nước ngoài và từ đó, xác định khung khổ pháp lý mà nhà đầu tư cần phải tuân thủ khi đầu tư.

Trong trường hợp nhà đầu tư là cá nhân hay pháp nhân quốc tịch của một nước đã ký hiệp định thương mại hoặc đầu tư và Việt Nam, họ sẽ được hưởng các ưu đãi theo các hiệp định đó. Nếu nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân hay pháp nhân mang quốc tịch của một nước đã ký là thành viên WTO thì nhà đầu tư đó sẽ được hưởng các ưu đãi và chịu các hạn chế theo các cam kết mà Việt Nam đã đưa ra khi gia nhập WTO. Ngược lại, nếu nhà đầu tư không mang quốc tịch của một nước thành viên WTO, họ sẽ không được hưởng các ưu đãi trong cam kết WTO của Việt Nam, khi đó, hoạt động đầu tư của nhà đầu tư sẽ được áp dụng theo pháp luật quốc gia của Việt Nam.

Theo nguyên tắc đối xử Tối huệ quốc (Most Favoured Nation - MFN) trong cam kết WTO, các thành viên không được phân biệt đối xử giữa công dân của thành viên này với công dân của thành viên khác. Tuy nhiên, WTO cho phép ngoại lệ MFN nếu thành viên này đưa biện pháp vi phạm vào danh mục các biện pháp miễn trừ đối xử tối huệ quốc và được các thành viên khác chấp thuận. Do vậy, theo cam kết WTO của Việt Nam, nhà đầu tư là công dân hoặc pháp nhân mang quốc tịch của một quốc gia đã ký kết hiệp định đầu tư song phương với Việt Nam sẽ được ưu tiên áp dụng hiệp định song phương đó. Vì vậy, trước khi áp dụng cam kết WTO, Luật sư phải kiểm tra xem quốc gia mà nhà đầu tư có quốc tịch có ký kết hiệp định đầu tư song phương với Việt Nam để áp dụng hay không áp dụng hiệp định song phương đó vào trường hợp cụ thể của nhà đầu tư.

(iv) Số lượng nhà đầu tư

Thông tin này quyết định loại hình doanh nghiệp mà nhà đầu tư sẽ thành lập (nếu việc đầu tư gắn với thành lập tổ chức kinh tế) cũng như những tài liệu mà nhà đầu tư phải thỏa thuận với đối tác hay phải chuẩn bị cho việc thực hiện dự án đầu tư sau này. Trong trường hợp có nhà đầu tư Việt Nam tham gia đầu tư cùng với nhà đầu tư nước ngoài, các bên cần ký thêm Hợp đồng liên doanh liên quan đến dự định đầu tư.

(v) Ngành, nghề đầu tư

Hiện nay, Luật Đầu tư năm 2020 chia các lĩnh vực ngành, nghề kinh doanh đầu tư) thành 03 nhóm:

Nhóm 1, ngành, nghề cấm kinh doanh đầu tư, đối với những ngành, nghề này, nhà đầu tư sẽ không được thực hiện.

Nhóm 2, ngành, nghề kinh doanh đầu tư có điều kiện (227 ngành, nghề theo Phụ lục IV của Luật Đầu tư năm 2020). Nhà đầu tư sẽ phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng khi muốn đầu tư vào các lĩnh vực này.

Nhóm 3, các ngành, nghề kinh doanh không thuộc diện cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện. Theo nguyên tắc, nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật Đầu tư không cấm.

(vi) Vốn đầu tư

Thông tin về vốn đầu tư sẽ kéo theo nhiều vấn đề pháp lý khác như nghĩa vụ chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư trong quá trình xin chấp thuận đầu tư và triển khai đầu tư, cơ quan có thẩm quyền ban hành chấp thuận chủ trương đầu tư - giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giới hạn trách nhiệm của nhà đầu tư trong các doanh nghiệp được sử dụng để triển khai dự án, ưu đãi đầu tư...

(vii) Địa điểm đầu tư

Nhìn chung địa điểm thực hiện dự án sẽ thuộc 01 trong trường hợp sau đây: (i) Trong khu công nghiệp, khu chế xuất công nghệ cao, khu kinh tế; (ii) Ngoài khu công nghiệp, khu chế xu khu công nghệ cao, khu kinh tế.

Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020, các dự án trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế sẽ được Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế tiếp nhận, cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu t: còn các dự án đầu tư không nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất khu công nghệ cao, khu kinh tế sẽ do Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận, cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Ngoài ra, quá trình triển khai các dự án trong khu công nghiệp , khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thường dễ dàng hơn do khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế được xây dựng cho mục đích công nghiệp hoặc dịch vụ nhất định với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Hơn nữa các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thường có các ưu đãi như thuế, tiền thuê đất... cho nhà đầu tư. Điều quan trọng là Luật sư cần kiểm tra để chắc chắn rằng, ngành, nghề dự kiến của nhà đầu tư phù hợp với các ngành, nghề được hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cụ thể.

Các dự án ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế trong thực tế sẽ được đánh giá bởi nhiều cơ quan nhà nước với nhiều tiêu chí đánh giá phù hợp với quy hoạch, nhu cầu sử dụng đất, tác động của dự án đến kinh tế - xã hội nơi dự án tọa lạc, tác động đến an ninh, quốc phòng, thậm chí là tình hình giao thông...). Do vậy quá trình chuẩn bị và triển khai dự án sẽ phức tạp hơn.

Các dự án đầu tư tại vùng nông thôn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn được hưởng các ưu đãi đầu tư.

(viii) Nhu cầu sử dụng đất đai, tài nguyên khác

Nhu cầu sử dụng đất đai, tài nguyên khác là một trong những tiêu chí để đánh giá, thẩm tra dự án đầu tư và quyết định những vấn đề pháp lý quan trọng khác như trình tự đầu tư dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), hình thức sử dụng đất (giao đất, cho thuê đất...), yêu cầu vốn chủ sở hữu so với tổng vốn đầu tư của dự án.

(ix) Nhu cầu sử dụng lao động

Nhu cầu sử dụng lao động là một nội dung trong quá trình thẩm tra dự án đầu tư và cũng sẽ ảnh hưởng đến các ưu đãi đầu tư của dự án, quyết định địa điểm thực hiện dự án...

(x) Các thông tin khác

Tùy vào từng trường hợp, các Luật sư sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin khác cần thiết cho việc tư vấn. Nguyên tắc là Luật sư có càng nhiều thông tin từ khách hàng thì càng tốt cho quá trình tư vấn.

Xem thêm:

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

  • Từ khóa
  • MFN

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.68342 sec| 1030.922 kb