Đại dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng hay là hoàn cảnh thay đổi?

Bởi Hồ Thị Ngọc Ánh - 29/01/2021
view 427
comment-forum-solid 0

Đại dịch Covid-19 đã và đang là vấn đề thời sự của toàn thế giới. Theo đó, Tổ chức Y tế thế giới cũng như Việt Nam đã công bố dịch do virus Corona chủng mới là đại dịch trên toàn cầu (đại dịch Covid-19). Được biết, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung. Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng để thiết lập lại nhiều quan hệ kinh tế, xã hội trong bối cảnh mới.

Bài viết được thực hiện bởi chuyên viên pháp lý Hồ Thị Ngọc Ánh – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài (24/7): 1900 6198 Bài viết được thực hiện bởi chuyên viên pháp lý Hồ Thị Ngọc Ánh – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài (24/7): 1900 6198

Trong lĩnh vực kinh tế, một số ý kiến cho rằng, Covid-19 được công bố là đại dịch thì đó là sự kiện bất khả kháng (sự kiện bất khả kháng) và cá nhân, doanh nghiệp sẽ viện dẫn yếu tố này để được miễn trách nhiệm của mình khi hủy bỏ hay chấm dứt các giao dịch. Tuy nhiên, không phải giao dịch nào cũng có thể áp dụng, bởi lẽ dịch Covid-19 không hoàn toàn thỏa mãn các điều kiện của một sự kiện bất khả kháng trong một số trường hợp.

Tuy nhiên, sự kiện Covid -19 không hoàn toàn là sự kiện bất khả kháng mà còn là hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Đại dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng hay là “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”?

Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nhiều hợp đồng đã được ký kết, việc thực hiện những hợp đồng này được diễn ra bình thường theo thỏa thuận. Khi đại dịch Covid -19 xảy ra, nhiều hợp đồng đã phải tạm dừng hoặc không thể thực hiện được do hoàn cảnh đã có sự thay đổi lớn. Như vậy, dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng hay “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” để các chủ thể hợp đồng có thể áp dụng trong việc giải quyết những khó khăn mà đại dịch gây ra.

Đại dịch Covid-19 có thể là sự kiện bất khả kháng?

Ngay sau khi các văn bản của cơ quan có thẩm quyền ban hành, chính sách “giãn cách xã hội” được áp dụng trên toàn quốc, biên giới đóng cửa1. Một số biện pháp phòng chống mạnh mẽ được triển khai như cấm xuất khẩu một số mặt hàng, không mở cửa hàng kinh doanh trừ các dịch vụ thiết yếu, hạn chế đi lại, nhiều khu vực bị phong tỏa;… Những biện pháp này lập tức tác động đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều hợp đồng trong các lĩnh vực như dân sự, thương mại,... khó có thể tiếp tục thực hiện. Vì thế, nhiều doanh nghiệp, người dân đều viện dẫn dịch Covid-19 như là “sự kiện bất khả kháng” để nhằm miễn trừ nghĩa vụ trong hợp đồng đang thực hiện.

Theo quy định hiện hành, để được coi là sự kiện bất khả kháng thì phải thỏa mãn ba điều kiện được quy định tại Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015: (i)Là sự kiện xảy ra một cách khách quan và không thể lường trước được; (ii)Không thể khắc phục được; (iii) Đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép mà không thể khắc phục được.

Như vậy, khi dịch bệnh xảy ra, nhất là sau khi các văn bản của cơ quan chức năng ban hành về việc cấm các cá nhân, tổ chức kinh doanh không được hoạt động trong một thời hạn (trừ một số lĩnh vực thiết yếu) đã làm cho Covid-19 trở thành sự kiện bất khả kháng. Hay nói cách khác, dịch Covid-19 đã thỏa mãn các điều kiện để trở thành một sự kiện bất khả kháng, bởi lẽ, nó xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Khi dịch Covid-19 được coi là sự kiện bất khả kháng thì hậu quả pháp lý của hợp đồng là miễn trừ nghĩa vụ của các bên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Tạm thời không bàn đến trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác, khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, bên bị ảnh hưởng được miễn trách nhiệm với bên kia. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu xem Covid-19 như là sự kiện bất khả kháng thì thật sự không thỏa đáng, ví dụ như nghĩa vụ thanh toán trong các hợp đồng như hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê nhà,…

nợ bằng cổ phần Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật nêu trên, gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Đại dịch Covid-19 cũng có thể là hoàn cảnh thay đổi cơ bản?

Đại dịch Covid-19 không thể coi là sự kiện bất khả kháng để miễn trừ nghĩa vụ trong một số trường hợp. Tuy nhiên, trong những trường hợp này, nếu hợp đồng vẫn tiếp tục thực hiện thì quả là khó khăn cho các chủ thể. Hợp đồng có được tiếp tục thực hiện hay không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các chủ thể, có thể mang lại lợi ích cho chủ thể này nhưng bất lợi cho chủ thể khác và ngược lại. Giải pháp hữu hiệu trong trường hợp này là các bên có thể áp dụng Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết, nghĩa là có thể xem dịch Covid -19 là “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”.

Định nghĩa “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” được quy định có nhiều điểm giống với sự kiện bất khả kháng. Đó là đều yêu cầu phải là sự kiện khách quan, các bên không thể lường trước tại thời điểm ký kết hợp đồng, bên bị ảnh hưởng phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết,… Sự khác nhau cơ bản giữa hai vấn đề này là nếu tại sự kiện bất khả kháng, bên bị ảnh hưởng phải chứng minh rằng mình “không thể khắc phục” được; còn đối với khái niệm “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” thì bên bị ảnh hưởng vẫn có thể khắc phục được, tức là vẫn có thể thực hiện hợp đồng.

Theo đó, khi ký kết hợp đồng, dịch Covid-19 chưa xuất hiện, việc sản xuất kinh doanh diễn ra bình thường. Tuy nhiên, khi dịch bệnh xảy ra đã làm cho hoàn cảnh thực hiện hợp đồng có sự thay đổi lớn.Sự kiện Covid-19 đã thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Điều 420, bởi lẽ:

Thứ nhất, sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng.

Dịch Covid -19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A hết sức nguy hiểm. Do đó, khi dịch bệnh xảy ra, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành chính sách “giãn cách xã hội”, lệnh cấm nhiều hoạt động theo đó được triển khai. Yếu tố dịch bệnh lây lan, bùng phát có tính chất khách quan, ngoài ý muốn chủ quan của các chủ thể trước khi ký kết hợp đồng. Sự kiện này có thể được xem là nguyên nhân khách quan khiến cho hoàn cảnh thực hiện hợp đồng có sự thay đổi khác nhiều so với những gì diễn ra trước khi hai bên hợp tác.

Thứ hai, tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh.

Tất nhiên, không ai có thể biết được đại dịch Covid-19 có thể xuất hiện. Các chủ thể không thể tiên lượng về việc thực hiện các thỏa thuận đã thống nhất trong bối cảnh dịch bệnh xuất hiện và bùng phát trên phạm vi toàn cầu như vậy.

Thứ ba, hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác.

Mọi hoạt động trong xã hội được đặt trong “trạng thái cách ly” là sự thay đổi hiển nhiên so với hoàn cảnh trước đó. Chắc chắn rằng, nếu biết được dịch bệnh xảy ra với sự ảnh hưởng nghiêm trọng như vậy thì các chủ thể sẽ không thể ký kết với các thỏa thuận trước đó.

Thứ tư, việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên.

Khi cả nước hoặc một số địa phương áp dụng “chính sách cách ly” thì nếu hợp đồng đã ký trước đó tiếp tục thực hiện sẽ gây thiệt hại cho một bên.

Thứ năm, bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

Đây là điểm mà nhiều trường hợp không thỏa mãn để coi là sự kiện bất khả kháng, mà phải xem xét cho trường hợp thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Thực tiễn quy định thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản

Thực tiễn áp dụng cho thấy, quy định thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản còn nhiều bất cập, gây nhiều khó khăn cho các bên liên quan.

Về quyền yêu cầu đàm phán lại hợp đồng quy định tại khoản 2, Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: “Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý”2. Tuy nhiên, thời hạn hợp lý là bao lâu thì luật chưa quy định cụ thể. Quy định về thời hạn không mang định tính này sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng, nhất là đối với hoàn cảnh Covid-19. Giả sử rằng, nếu quá thời hạn nhất định mà bên bị thiệt hại không gửi yêu cầu đàm phán lại hợp đồng thì có được coi là đã từ bỏ quyền của mình và chấp nhận thiệt hại xảy ra hay không?

Về cơ chế giải quyết tranh chấp khi các bên đàm phán lại hợp đồng không thành công, quy định hiện hành chỉ trao quyền giải quyết cho Tòa án. Có lẽ quy định này đã thiếu xót khi không trao quyền giải quyết thêm cho một chủ thể khác cũng có quyền giải quyết tranh chấp là Trọng tài. Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định: “Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài” Có lẽ khi xây dựng Điều 420, những nhà lập pháp với lý lẽ là “Trọng tài chỉ được giải quyết những tranh chấp về thương mại” mà đây là giải quyết tranh chấp về hợp đồng thì trao quyền cho Trọng tài có hợp pháp hay không? Vì vậy, ở đây xuất hiện một số mâu thuẫn, thiếu đi mối liên hệ giữa quy định tại Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 và quy định tại Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

Về phạm vi thẩm quyền giải quyết của Tòa án khi cho phép sửa đổi, chấm dứt hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản: “Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi”4. Như vậy, cơ sở để Tòa án đưa ra hướng giải quyết là sửa đổi hay chấm dứt hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi là phải dựa trên việc xác định mức độ thiệt hại và chi phí ảnh hưởng đến lợi ích của các bên trong hợp đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, các chính sách của Nhà nước thay đổi liên tục, sẽ rất khó để xác định việc chấm dứt hợp đồng có thiệt hại hơn so với chi phí để sửa đổi hợp đồng, gây khó khăn cho việc áp dụng hay không.

Xem thêm:

Chính vì vậy, có thể nhận thấy quy định của pháp luật còn nhiều lỗ hổng, chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 nên gây nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng thực tế.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.
Hồ Thị Ngọc Ánh

Hồ Thị Ngọc Ánh

https://luatcongty.vn Hồ Thị Ngọc Ánh là chuyên viên pháp lý của một công ty luật tại Hà Nội. Hiện tại Ngọc Ánh cũng đang là content editor của website luatcongty.vn

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.30337 sec| 1023.953 kb