Làm việc tại nhà do dịch covid 19, tiền lương của người lao động có bị giảm không?

view 79
comment-forum-solid 0

Do tình hình dịch Covid 19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều doanh nghiệp đã cho nhân viên làm việc trực tuyến tại nhà. Một câu hỏi đang rất được quan tâm hiện nay là tiền lương của  người lao động khi làm việc tại nhà có bị giảm hay không?

Chính sách tiền lương của người lao động thời covid 19 - Luật sư Nguyễn Bích Phượng Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Bích Phượng – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Tiền lương của người lao động được quy định như thế nào?

Tiền lương của người lao động hiện nay được quy định trong tại Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019, cụ thể như sau:

(i) Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

(ii) Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu. 

(iii) Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.

Như vậy, tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc và mức lương theo công việc không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Trong đó, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ. Và được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Xem thêm: Do dịch Covid-19, doanh nghiệp có được trả chậm tiền lương?

Trách nhiệm trả lương của người sử dụng lao động

Căn cứ vào Điều 94 và Điều 95 Của Bộ Luật Lao động năm 2019, Trách nhiệm trả lương cho người lao động của người sử dụng lao động như sau:

(i) Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

(ii) Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

(iii) Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc.

(iv) Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).

Theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn, theo đúng quy định của pháp luật. Thậm chí, nếu người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

Như vậy, nếu không có bất cứ sự thay đổi nào thì người sử dụng lao động phải trả đủ lương cho người lao động theo thỏa thuận đã ghi trong hợp đồng lao động.

tiền lương của người lao động - Luật sư Nguyễn Bích Phượng Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp, gọi tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Tiền lương của người lao động có bị giảm khi làm việc tại nhà không? 

Như đã phân tích, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động và người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc. 

Tiền lương trả cho người lao động không phụ thuộc vào địa điểm làm việc của người lao động. Người lao động làm việc tại nhà nhưng duy trì và đáp ứng năng suất lao động cũng như chất lượng thực hiện công việc như đã thỏa thuận với Công ty qua hợp đồng lao động đã giao kết thì Công ty cũng có nghĩa vụ phải trả lương cho người lao động theo thỏa thuận. Chính vì vậy, nếu cho nhân viên làm việc ở nhà nhưng người đó vẫn hoàn thành tốt công việc được giao thì về nguyên tắc công ty vẫn phải trả đủ lương cho người lao động theo hợp đồng.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp được chủ động trong việc điều hành sản xuất kinh doanh, phù hợp với tình hình thực tế, pháp luật cho phép người sử dụng có thể giảm tiền lương của người lao động trong 02 trường hợp sau:

(i) Thỏa thuận sửa đổi hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận của các bên. Do đó, pháp luật cũng cho phép các bên được thỏa thuận lại với nhau về các điều khoản trong hợp đồng lao động, trong đó bao gồm cả vấn đề về tiền lương. Và như vậy, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đề nghị giảm tiền lương với người lao động.

Tuy nhiên yêu cầu này bắt buộc phải được người lao động đồng ý. Mức giảm sẽ do các bên tự thỏa thuận, nhưng mức lương người lao động được nhận sau khi giảm vẫn phải đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

(ii) Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động

Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Bộ luật Lao động năm 2019, khi gặp khó khăn do dịch bệnh nguy hiểm, doanh nghiệp được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động. Cụ thể: Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm; trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản

Cũng theo khoản 3 Điều này, khi chuyển sang công việc, người lao động sẽ được trả lương như sau: Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Như vậy, khi chuyển người lao động làm công việc mới, người sử dụng lao động có thể trả lương thấp hơn trước đó nhưng phải đảm bảo giữ nguyên mức lương cũ trong 30 ngày làm việc và tiền lương công việc mới phải bằng ít nhất 85% lương cũ và không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Tìm hiểu thêm các thông tin liên quan tại Luật công ty, trang chia sẻ kiến thức về pháp luật doanh nghiệp

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.
Luật sư Nguyễn Bích Phượng

Luật sư Nguyễn Bích Phượng

https://everest.org.vn/luat-su-nguyen-bich-phuong/ Luật sư Nguyễn Bích Phượng có 4 năm kinh nghiệm làm việc tại Công ty Luật TNHH Everest: Xử lý các vụ án liên quan đến tranh chấp về thừa kế, hôn nhân- gia đình, dân sự, lao động, doanh nghiệp.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.03308 sec| 1020.75 kb