Lý do khiến doanh nghiệp nhượng quyền thất bại

Bởi Đinh Thị Thương - 08/07/2021
view 489
comment-forum-solid 0
Kinh doanh theo phương thức nhượng quyền đang là một trong những hình thức gây sức hút lớn đối với các doanh nghiệp hiện nay. Mang những ưu điểm lớn, nhất là hạn chế rủi ro bởi thương hiệu đã được nhiều người biết đến, song thực tế không phải ai cũng thành công trong vận hành bởi những sai lầm, những cạm bẫy không lường trước được để đối đầu, dẫn đến doanh nghiệp nhượng quyền thất bại.

1. Thiếu vốn đầu tư

Câu hỏi thường gặp nhất khi doanh nghiệp bắt đầu có ý định nhượng quyền là: "Tôi muốn nhượng quyền. Vậy tôi cần chuẩn bị hệ thống nhượng quyền như thế nào và chi phí tư vấn là bao nhiêu?" Trên thực tế, câu hỏi mà doanh nghiệp cần đặt ra là: “Làm thế nào để có thể phát triển hệ thống nhượng quyền bền vững nếu dựa vào nguồn thu chính là phí royalty và phí các loại phí nhượng quyền liên quan?" Doanh nghiệp có thể thuê chuyên viên tư vấn, trả cho họ 50-60 ngàn đô la để xây dựng một hệ thống nhượng quyền. Có lầm tưởng hay không khi doanh nghiệp cho rằng chỉ cần có hệ thống nhượng quyền, doanh nghiệp đã có thể tồn tại từ doanh thu là phí nhượng quyền chi nhánh? Nếu làm một bài toán đơn giản về thu chi, một hệ thống nhượng quyền đơn thuần thường phải đạt đến ngưỡng 50 chi nhánh nhượng quyền mới có thể hòa vốn về hoạt động. Đừng nghĩ là doanh nghiệp có thể không làm gì, không đầu tư gì mà vẫn nhận phí nhượng quyền hàng tháng. Khi bắt đầu nhượng quyền, doanh nghiệp phải đầu tư vào quy trình, hệ thống, nhân sự hỗ trợ, Cơ sở vật chất hỗ trợ quy mô hoạt động, tiếp thị quảng cáo, sáng tạo sản phẩm, v,v...

2. Hoạt động đào tạo và hỗ trợ kém

Không đủ vốn đầu tư hoặc thiếu kinh nghiệm quản lý hệ thống nhượng quyền có thể làm cho việc chuẩn bị hệ thống hỗ trợ hoạt động và đào tạo không đúng mức, quản lý hoạt động và hỗ trợ đối tác không hiệu quả, dẫn đến khủng hoảng trong vận hành và mức độ lợi nhuận của toàn hệ thống. Khi hệ thống bị khủng hoảng về lợi nhuận, đó là lúc doanh nghiệp nhượng quyền có nguy cơ giải thể.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về nhượng quyền thương mại của Công ty Luật TNHH Everest

3. Bán nhượng quyền để tồn tại

Khi doanh nghiệp nhượng quyền phải bán cho được nhượng quyền để lấy thu bù chi, doanh nghiệp phải thỏa hiệp với các tiêu chuẩn lựa chọn đối tác và do đó có thể chấp nhận đối tác nhận quyền không đủ chuẩn. Nhiều doanh nghiệp bán luôn chi nhánh thuộc sở hữu công ty đang vận hành hiệu quả hoặc bán luôn giấy phép một khu vực chẳng hạn chỉ để đắp đổi vào hoạt động kinh doanh không hiệu quả của chính bản thân mình. Chính những quyết định mua bán nhượng quyền dựa trên nền tảng lấy thu bù chi này sẽ gây ra khủng hoảng cho toàn hệ thống. Doanh nghiệp cũng có thể vì vậy mà đưa ra những quyết định về dòng tiền bất lợi cho đối tác nhận quyền, tạo mâu thuẫn và giảm mức độ lợi nhuận trong toàn hệ thống. Một hệ thống nhượng quyền như vậy trước sau gì cũng sẽ thất bại và cũng có thể vì vậy mà phải bán rẻ thương hiệu của mình để giải quyết vấn đề tài chính.

4. Thiếu kỹ năng và nếp suy nghĩ của một doanh nghiệp nhượng quyền

Nhiều doanh nghiệp cho rằng nhượng quyền là một chiến lược phát triển hoặc chiến lược phân phối chứ không phải là một mô hình kinh doanh. Cũng vì vậy, doanh nghiệp có thể tự mình vận hành chi nhánh rất hiệu quả nhưng lại hoàn toàn thiếu kỹ năng và kinh nghiệm trong việc hỗ trợ thành công đối tác nhận quyền. Ví dụ khi vận hành một hệ thống chuỗi, ban quản lý đưa ra quyết định, triển khai xuống các phòng ban và mọi việc nhanh chóng được thực hiện theo kế hoạch. Mô hình nhượng quyền không tổ chức theo hình thức tập trung như thế. Nhượng quyền đòi hỏi quan hệ hợp tác và đóng góp cùng phát triển. Do đó, nếu vẫn vận hành theo hình thức công ty như thế, đối tác nhận quyền có thể không hợp tác, dẫn đến khủng hoảng về quan hệ, một trong những khủng hoảng thường xuyên và nghiêm trọng nhất trong hệ thống nhượng quyền.

5. Tham làm giàu nhanh

Nhiều doanh nghiệp nhượng quyền sử dụng nhượng quyền như một cái máy thu tiền tươi. Bán một ly cà phê có 25.000 đồng. Bán một giấy phép nhượng quyền năm sáu trăm triệu. Ai mà không ham? Kiểu doanh nghiệp nhượng quyền này chỉ quan tâm đến tiền mặt thu về, không quan tâm đến mức độ lợi nhuận của đối tác nhận quyền, và cũng chẳng quan tâm đến sự phát triển lâu dài của hệ thống hay là thương hiệu. Đây là kiểu làm giàu ăn xổi ở thì rất phổ biến ở những thị trường còn đang phát triển mà Việt Nam cũng không ngoại lệ. Thường thì những doanh nghiệp kiểu này bán nhượng quyền thật nhanh, thu tiền thật nhiều rồi đóng cửa bỏ chạy. Cũng không thể xếp họ vào hạng nhượng quyền thất bại khi ý định lừa đảo chính là mục tiêu khởi nghiệp.

6. Thiếu chiến lược dài hạn

Nhiều doanh nghiệp nhượng quyền sai lầm khi cho rằng mô hình của mình sẽ trở thành hiện tượng trong vòng 2-3 năm sắp đến và do đó không có kế hoạch và sự chuẩn bị dài hạn cho sự phát triển doanh nghiệp. Nhượng quyền là mô hình kinh doanh đòi hỏi đầu tư dài hơi và kiên nhẫn, có khi là 7-10 năm. Nếu không thể tồn tại hay chờ đợi được một thời gian dài hạn như thế để nhận được giá trị kinh tế gấp nhiều lần từ tài sản sở hữu trí tuệ của mình, xây dựng mức hòa vốn từ phí nhượng quyền và tạo được nền tảng phát triển vượt bậc, doanh nghiệp có lẽ nên tự mình kinh doanh, mở thêm vài chi nhánh hoặc khu vực, để đạt giá trị doanh nghiệp khoảng 3 lần EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay, và khấu hao). Nếu có thể đầu tư dài hạn, một doanh nghiệp nhượng quyền thành công có thể đạt tỷ lệ giá trị doanh nghiệp từ 6 đến 8 lần so với EBITDA. Một lần nữa, tất cả quay về nếp suy nghĩ dài hạn hay ngắn hạn. Dĩ nhiên, dài hạn có cái lợi to lớn của nó.

7. Thiếu chuẩn bị

Nhiều doanh nghiệp do nóng vội, bắt đầu nhượng quyền khi bản thân doanh nghiệp chưa hoàn thành phần chuẩn bị. Có thể chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhưng doanh nghiệp đã tính toán đến hiệu quả kinh doanh của đối tác chưa sau khi thêm vào bảng dự toán lãi lỗi các loại chi phí nhượng quyền? Nhiều doanh nghiệp nhượng quyền lại không đầu tư tạo nên sự khác biệt trong mô hình và sản phẩm, vội vàng đưa mô hình ra thị trường rồi không thể cạnh tranh. Một khi bắt đầu nhượng quyền, doanh nghiệp không còn cơ hội thử nghiệm. Mọi vấn đề cần thử nghiệm phải được hoàn thành trước khi nhượng quyền, và chi nhánh nhượng quyền nhất thiết phải hoạt động hiệu quả. Một ý tưởng hay không phải là nền tảng để nhượng quyền.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý thành lập doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest

8. Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ cuốn sách Nhượng quyền khởi nghiệp của tác giả Nguyên Phi Vân. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 024 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn

Đinh Thị Thương

Đinh Thị Thương

Đinh Thị Thương là sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội, hiện tại Đinh Thương đang làm việc tại một công ty Luật ở Hà Nội, và là content editor của website luatcongty.vn

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.25150 sec| 1009.641 kb