Những vấn đề quan trọng phải biết khi soạn thảo hợp đồng

view 888
comment-forum-solid 0

Khi giao kết hợp đồng trong bất cứ lĩnh vực nào thì soạn thảo hợp đồng là một câu hỏi được đặt ra cần được giải đáp, các vấn đề sau đây không chỉ giúp chủ thể soạn thảo hợp đồng theo một khuôn khổ nhất định của pháp luật mà còn đảm bảo quyền lợi giữa các bên một cách tối đa nhất có thể.

lưu ý khi soạn thảo hợp đồng                                Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp, gọi tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Hợp đồng là gì?

Thực tế hiện nay cho thấy, hợp đồng là một khái niệm rất quen thuộc và được sử dụng phổ biến, rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống. Nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên như đã thỏa thuận, thống nhất các bên sẽ tiến hành ghi nhận nội dung đó trong hợp đồng.

Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi và chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự"

Như vậy, có thể hiểu hợp đồng dân sự không chỉ là sự thỏa thuận để một bên chuyển giao tài sản, thực hiện một công việc cho bên kia mà có thể còn là sự thỏa thuận để thay đổi hay chấm dứt các nghĩa vụ đó. Hợp đồng dân sự (nghĩa chủ quan) và pháp luật về hợp đồng dân sự (nghĩa khách quan) là hai khái niệm không đồng nhất với nhau. Hợp đồng dân sự theo nghĩa chủ quan là một quan hệ xã hội được hình thành từ sự thoả thuận của các bên để thoả mãn nhu cầu trao đổi trong giao lưu dân sự.

Những lưu ý khi soạn thảo hợp đồng

(i) Lưu ý về hình thức hợp đồng

Khi soạn thảo hợp đồng, các bên có quyền tự do quyết định hình thức của hợp đồng, có thể bằng lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể, trừ những trường hợp pháp luật chuyên ngành yêu cầu hợp đồng phải được thể hiện bằng một hình thức cụ thể nào đó.

(ii) Lưu ý về các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

Các bên có quyền tự do, bình đẳng thoả thuận nội dung hợp đồng, tuy nhiên thỏa thuận đó không được vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội..

Điều kiện về đối tượng của hợp đồng: đối tượng hợp đồng phải là những hàng hoá mà pháp luật không cấm và không trái đạo đức xã hội, về năng lực ký kết của các bên tham gia ký kết hợp đồng: Các bên tham gia ký kết hợp đồng phải có năng lực hành vi dân sự.

(iii) Lưu ý về căn cứ ký kết hợp đồng

Các bên thường đưa ra các căn cứ làm cơ sở cho việc thương lượng, ký kết và thực hiện hợp đồng; có thể là văn bản pháp luật điều chỉnh, văn bản uỷ quyền, nhu cầu và khả năng của các bên.

Khi các bên lựa chọn một văn bản pháp luật cụ thể để làm căn cứ ký kết hợp đồng thì được xem như đó là sự lựa chọn luật điều chỉnh. Do đó cũng phải hết sức lưu ý khi đưa các văn bản pháp luật vào phần căn cứ của hợp đồng, chỉ sử dụng khi biết văn bản đó có điều chỉnh quan hệ trong hợp đồng và còn hiệu lực

(iv) Lưu ý về điều khoản “Giải thích từ ngữ”

Hợp đồng thương mại là một dạng hợp đồng không những chịu sự điều chỉnh của pháp luật mà còn bị ảnh hưởng bởi các thói quen thương mại, tập quán và pháp luật quốc tế, là những hợp đồng mang tính chất chuyên ngành cao, nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên ngành đặc thù.

Để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng một cách thuận lợi, thì việc đưa ra các khái niệm cho những nội dung cần được hiểu và áp dụng thống nhất, khoa học khi soạn thảo hợp đồng là rất quan trọng. Việc làm này là cần thiết nhằm tránh tình trạng có phát sinh xung đột, tranh cãi giữa các bên về cách hiểu của nội dung đó.

(v) Lưu ý về “Đối tượng của hợp đồng”

Đối với hợp đồng dịch vụ hoặc gia công hàng hóa… đối tượng của nó là các công việc cụ thể. Những công việc này phải được xác định rõ ràng: Cách thức thực hiện, trình độ chuyên môn, người trực tiếp thực hiện, kết quả sau khi thực hiện.

Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa: Đối tượng của hợp đồng là hàng hóa được mua bán. Khi soạn thảo, các bên phải xác định rõ tên hàng hóa, loại hàng hóa, chất lượng hàng hóa, số lượng hàng hóa… tất cả các yếu tố trên phải được xác định rõ ràng, cụ thể trong hợp đồng.

(vi) Lưu ý về điều khoản “Thanh toán”

Trong điều khoản này, các bên cần có thỏa thuận về phương thức thanh toán, đồng tiền thanh toán và thời hạn thanh toán.

Đối với phương thức thanh toán: Các bên có thể lựa chọn một trong các phương thức thanh toán phổ biến hiện nay như: thanh toán trực tiếp; thanh toán thông qua chuyển khoản; thanh toán nhờ thu và tín dụng chứng từ L/C (thường được sử dụng đối với hợp đồng thương mại quốc tế).

Đối với đồng tiền thanh toán: Các bên thỏa thuận cụ thể đồng tiền thanh toán là Việt Nam đồng hoặc USD hay một đồng tiền khác tùy theo ý trí các bên. Tuy nhiên chỉ nên để một loại đồng tiền thanh toán duy nhất, ngoài ra còn cần chú ý đến thời gian thanh toán (hạn cuối).

(vii) Lưu ý về điều khoản “Phạt vi phạm”

Đây là điều khoản các bên tự do thỏa thuận. Tuy nhiên nếu các bên không thỏa thuận điều khoản này thì khi xảy ra vi phạm, các bên sẽ không được phạt vi phạm hợp đồng. vì vậy, để bảo vệ quyền lợi thì các bên nên quy thỏa thuận điều khoản phạt trong hợp đồng.

(viii) Lưu ý về điều khoản “Giải quyết tranh chấp”

Đối với các giao dịch thương mại, các bên có thể thỏa thuận lựa chọn Tòa án hoặc Trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp phát sinh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tranh chấp chỉ được giải quyết bởi Tòa án, Trọng tài thương mại không có thẩm quyền giải quyết.

(ix) Lưu ý về biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng

Các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng bao gồm: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh và tín chấp. Theo các quy định của pháp luật hiện hành thì các bên trong hợp đồng có quyền tự chủ, tự do cam kết và tự do thoả thuận đồng thời các bên cũng phải tự chịu trách nhiệm đối với các cam kết, thoả thuận của mình.

Các cách soạn thảo hợp đồng

Hợp đồng được ký kết trên nguyên tắc tự do và bình đẳng, do đó nội dung của mỗi hợp đồng cụ thể luôn có sự khác nhau. Do vậy không thể có một mẫu hợp đồng nào là chuẩn mực, nó thường thừa hoặc thiếu đối với một thương vụ cụ thể. Các bên phải sửa cho phù hợp theo ý muốn của hai bên, đừng lạm dụng mẫu – chỉ điền một vài thông số và hoàn tất bản dự thảo hợp đồng.

Tuy nhiên, thì về cơ bản các loại hợp đồng đều có nguyên tắc chung như nhau, cụ thể là: (i) Nguyên tắc 1: Đảm bảo mỗi một hợp đồng chỉ thực hiện điều chỉnh một quan hệ hợp đồng nào đó. (ii) Nguyên tắc 2: Trong nội dung về hợp đồng đảm bảo các tiêu chí là nội dung phải được hai bên thỏa thuận sau đó đi đến thống nhất, từ đó mới ghi nhận trong hợp đồng. (iii) Nguyên tắc 3: Không viết các ký hiệu riêng đặc biệt hoặc không sử dụng các từ ngữ địa phương (nên sử dụng từ phổ thông), tránh sự hiểu lầm sai lệch đáng tiếc trong hợp đồng. (iv) Nguyên tắc 4: Tuân thủ theo các quy định pháp luật về nội dung thỏa thuận ghi nhận trong hợp đồng. Theo đó, khi có tranh chấp pháp luật sẽ bảo vệ lợi ích của các bên nếu có mâu thuẫn. (v) Nguyên tắc 5: Trong hợp đồng phải sử dụng đúng từ ngữ chính xác (ví dụ: từ thời hiệu và thời hạn hợp đồng là 2 từ ngữ khác nhau) (vi) Nguyên tắc 6: Mặc dù pháp luật có quy định một số trường hợp không nhất thiết phải lập bằng văn bản, nhưng thực tế một số giao dịch nên soạn thảo bằng văn bản để đảm bảo quyền lợi khi có tranh chấp phát sinh. (vii) Nguyên tắc 7: Một số loại hợp đồng cần phải được công chứng, chứng thực ví dụ như hợp đồng mua bán về nhà đất, hợp đồng cho tặng đất, hợp đồng về trao đổi tài sản,… (viii) Nguyên tắc 8:  Trong nội dung hợp đồng, nên bổ sung thêm các thông tin có thể phát sinh dự liệu trước có thể thay đổi. Bởi thực tế có thể xảy ra các trường hợp ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của các bên.

Quy trình soạn thảo hợp đồng 

Việc soạn thảo hợp đồng đảm bảo đúng về hình thức và chính xác về nội dung giao dịch là rất quan trọng. Vậy quy trình soạn thảo hợp đồng gồm những bước nào?

Bước 1: Thu thập thông tin về nội dung giao dịch

Trước khi tiến hành soạn thảo một hợp đồng, việc quan trọng cần phải làm là tìm hiểu thật kỹ về nội dung giao dịch của các bên. Bởi lẽ, hợp đồng chính là việc thuật lại thỏa thuận của các bên thành văn bản bằng ngôn ngữ pháp lý. Vì vậy, phải nắm rõ về nội dung giao dịch mới có thể soạn thảo hợp đồng đúng với ý chí của các bên khi tham gia giao dịch.

Ngoài ra, việc thu thập thông tin về nội dung giao dịch còn giúp người soạn thảo hợp đồng có cái nhìn tổng quan nhất để định hướng được sẽ tiến hành soạn thảo loại hợp đồng nào cho giao dịch.      

Bước 2: Tìm quy định pháp luật điều chỉnh từng nội dung

Sau khi đã nắm rõ nội dung giao dịch, người soạn thảo hợp đồng sẽ tiến hành xác định loại hợp đồng cần soạn là hợp đồng dân sự; kinh doanh - thương mại hay lao động. Từ đó, xác định được pháp luật điều chỉnh giao dịch đó.

Bước 3: Soạn dự thảo hợp đồng

Người soạn hợp đồng có thể lựa chọn giải pháp nhanh chóng là tìm các mẫu hợp đồng có sẵn về giao dịch có liên quan. Đây là một giải pháp để tiết kiệm thời gian, tránh khỏi việc thiết kế lại từ đầu một bản hợp đồng mới. Tuy nhiên, người soạn thảo bắt buộc phải chỉnh sửa, bổ sung và kiểm tra lại từng điều khoản của hợp đồng. Đảm bảo rằng hợp đồng đầy đủ về nội dung, đúng với quy định của pháp luật hiện hành và đặc biệt là đúng với ý chí của các bên tham gia giao dịch.

Khi soạn thảo hợp đồng, người soạn thảo không chỉ ghi nhận lại thỏa thuận của các bên mà phải đảm bảo thỏa thuận này không trái với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội, không rơi vào những trường hợp vô hiệu của hợp đồng.

Bước 4: Gửi dự thảo cho các bên liên quan kiểm tra và chỉnh sửa

Sau khi soạn xong dự thảo hợp đồng, người soạn thảo cần gửi cho các bên liên quan bản dự thảo để chính những chủ thể trong giao dịch – những người có quyền và nghĩa vụ liên quan trực tiếp xác nhận lại tính chính xác của hợp đồng

Để việc soạn thảo hợp đồng được suôn sẻ và đáp ứng yêu cầu về nội dung, hình thức hợp đồng, mời quý bạn đọc tham khảo bài: Những sai lầm chết người cần tránh khi soạn thảo hợp đồng

Các hợp đồng phổ biến hiện nay

Hợp đồng mua bán hàng hóa

khái niệm mua bán hàng hóa quy định tại Luật Thương mại năm 2005 có thể đưa ra khái niệm về hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại (gọi chung là hợp đồng mua bán hàng hóa) như sau:

“Hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bản có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận”

Bạn có thể tham khảo thêm về: Soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa

Hợp đồng vận chuyển hàng hóa 

Vận chuyển hàng hóa là loại dịch vụ trong đó các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ này tiến hành các công việc cần thiết để chuyển hàng hóa từ địa điểm này sang địa điểm khác theo thỏa thuận với những tổ chức, cá nhân có nhu cầu để hưởng thù lao

Hợp đồng vận chuyển hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó một bên (bên vận chuyển) có nghĩa vụ vận chuyển hàng hóa tới địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao hàng hóa đó cho người có quyền nhận ; còn bên kia (bên thuê vận chuyển) có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển và các khoản phụ phí khác cho bên vận chuyển.

Xem thêm: Soạn thảo hợp đồng vận chuyển hàng hóa 

Hợp đồng thuê nhà

Hợp đồng thuê nhà là một dạng cụ thể của hợp đồng thuê tài sản, theo đó hợp đồng thuê nhà được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên, bên cho thuê giao nhà cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê nhà.

Hợp đồng thuê nhà ở là hợp đồng dân sự thông dụng theo đó, bên cho thuê nhà có nghĩa vụ giao nhà cho bên thuê nhà sử dụng trong thời hạn thỏa thuận và bên thuê nhà có nghĩa vụ trả tiền thuê nhà theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật

Mời bạn tham khảo: Soạn thảo hợp đồng thuê nhà

Hợp đồng vận chuyển hành khách

Điều 522 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định Hợp đồng vận chuyển hành khách (hợp đồng vận chuyển hành khách) là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đã định theo thỏa thuận, hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển.

Trong hợp đồng vận chuyển hành khách, chủ thể của hợp đồng là bên vận chuyển và hành khách. Bên vận chuyển có thể là pháp nhân hoặc các nhân được phép kinh doanh vận chuyển hành khách. Đối với một số loại phương tiện giao thông như máy bay, tàu hỏa do doanh nghiệp nhà nước đảm nhiệm

Xem thêm: Soạn thảo hợp đồng vận chuyển hành khách

Hợp đồng cung ứng dịch vụ

Hợp đồng cung ứng dịch vụ được sử dụng khi hai bên thỏa thuận với nhau về việc một bên sử dụng dịch vụ và bên còn lại cung ứng dịch vụ, sau khi ký kết hợp đồng hai bên thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết.

Điều 513 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau: Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.

Mời bạn click vào bài viết này để biết thêm chi tiết: Soạn thảo hợp đồng cung ứng dịch vụ

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.
Luật sư Nguyễn Thị Mai

Luật sư Nguyễn Thị Mai

https://everest.org.vn/luat-su-nguyen-thi-mai Luật Sư Nguyễn Thị Mai là chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn dân sự, lao động, đất đai, hôn nhân gia đình.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.88980 sec| 1079.633 kb