Quản lý tài chính tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp

Bởi Cao Bích Tuyền - 04/12/2020
view 206
comment-forum-solid 0

Để việc quản lý sử dụng ngân sách nhà nước đảm bảo sự hiệu quả, tiết kiệm, thực hiện nghiêm các chế độ, chính sách quản lý thu, chi tài chính cũng như công tác quản lý tài chính, ngân sách tại các cơ quan, đơn vị cần đặt ra vấn đề thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện, các chế độ tiêu chuẩn, định mức chi tiêu hiện hành, đồng thời trong quá trình thực hiện cần phải lưu ý một số nội dung sau. 

Công tác quản lý tài chính tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp, gọi tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Công tác quản lý tài chính từ nguồn thu sự nghiệp

Các cơ quan, đơn vị lập dự toán thu sự nghiệp hàng năm gửi cơ quan tài chính, thuế và cơ quan cấp trên phải theo đúng mẫu biểu, thời gian quy định được cơ quan chức năng hướng dẫn. Dự toán thu sự nghiệp phải bảo đảm phản ánh được đầy đủ chi tiết các nguồn thu phí, lệ phí, thu sự nghiệp, thu hoạt động dịch vụ, thu khác phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao, chế độ tài chính quy định.

Tổ chức hoạt động dịch vụ sản xuất kinh doanh, liên doanh liên kết phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao; xây dựng Quy chế quản lý đối với hoạt động dịch vụ để làm căn cứ thực hiện; đăng ký, kê khai nộp thuế đối với tất cả các loại hình hoạt động dịch vụ với cơ quan thuế theo quy định của Luật thuế.

Quá trình tổ chức thu thu phí, lệ phí, thu sự nghiệp thực hiện theo đúng mức thu, đối tượng thu được cơ quan có thẩm quyền quy định đồng thời phải thực hiện công khai mức thu; bảo đảm phản ánh được đầy đủ, kịp thời, chính xác toàn bộ các khoản thu phí, lệ phí, thu sự nghiệp, thu hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ vào sổ kế toán, báo cáo tài chính, không được để ngoài sổ kế toán.

Hạch toán phản ánh đầy đủ chi phí phục vụ cho công tác thu phí và lệ phí; chi phí cho các hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh theo quy định của chế độ tài chính hiện hành.

Trích tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo đúng chế độ quy định (trích tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ; riêng ngành y tế 35% số thu viện phí sau khi trừ chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hoá chất, vật tư thay thế, vật tư tiêu hao). Nguồn cải cách tiền lương trong năm đơn vị chưa sử dụng hết phải chuyển sang năm sau thực hiện và không được sử dụng cho mục đích khác.

Xác định chênh lệch thu chi từ hoạt động dịch vụ, sự nghiệp, thực hiện phân phối chênh lệch thu lớn hơn chi theo đúng chế độ tài chính quy định (trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng).

Quản lý sử dụng kinh phí

Lập và quản lý dự toán chi

Việc lập dự toán phải trên cơ sở chính sách, chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước, dự toán phải bảo đảm chi tiết theo từng nội dung chi, thuyết minh rõ cơ sở căn cứ tính toán từng nội dung chi theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định.

Quá trình thực hiện chi các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách phải thực hiện chi theo đúng dự toán được giao, chế độ tiêu chuẩn, định mức quy định và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, bảo đảm sử dụng kinh phí hiệu quả, tiết kiệm; kinh phí kinh phí đặc thù cuối năm chi không hết phải hoàn trả lại ngân sách hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển sang năm sau chi tiếp theo quy định của chế độ tài chính hiện hành.

Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính phải tổ chức rà soát lại quy chế chi tiêu nội bộ theo đúng quy định để thực hiện chi tiêu, bảo đảm quy chế phải quy định rõ các nội dung chi theo chế độ, mức chi của từng nội dung chi.

Một số nội dung chi chủ yếu cần chú ý

Chi làm thêm giờ: chi tổ chức làm thêm giờ theo đúng chế độ quy định. Chứng từ quyết toán chi tiền làm thêm giờ cầu phải có (Bảng Chấm công làm thêm giờ; Bảng thanh toán tiền làm thêm giờ và chứng từ pháp lý khác có liên quan).

Chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị: thực hiện chi tổ chức hội nghị theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu quy định và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chứng từ quyết toán chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị cần phải có (Văn bản đồng ý cho phép tổ chức hội nghị của cấp có thẩm quyền; Giấy mời dự họp, hội nghị; Danh sách đại biểu mời và người trực tiếp có liên quan; Hoá đơn tiền thuê hội trường; Hoá đơn tiền in ấn tài liệu; Hoá đơn tiền thuê xe ô tô đưa đón đại biểu và chứng từ pháp lý khác có liên quan).

Chi sử dụng nhiên liệu xe ô tô: sử dụng xe ô tô, chi phí nhiên liệu xăng dầu theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định; bố trí và tổ chức hợp lý công việc, đề ra các biện pháp tích cực để tiết kiệm xăng dầu. Chứng từ quyết toán chi phí sử dụng nhiên liệu xe ô tô tại các cơ quan đơn vị phải có (Lệnh điều xe của Thủ trưởng đơn vị; Lịch trình sử dụng xe; Hoá đơn thanh toán tiền nhiên liệu; Chứng từ pháp lý khác có liên quan).

Chi công tác phí trong nước: chi công tác phí theo đúng quy định hiện hành, các cơ quan, đơn vị phải xem xét, cân nhắc khi cử người đi công tác bảo đảm kinh phí được sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả. Chứng từ quyết toán công tác phí (Giấy đi đường được thủ trưởng cơ quan, đơn vị ký duyệt đóng dấu có xác nhận, đóng dấu của cơ quan nơi cán bộ đến công tác; Hoá đơn tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác; Vé tàu xe đi và về từ cơ quan đến nơi công tác; Giấy mời tham dự hội nghị, hội thảo, tập huấn; Chứng từ pháp lý khác có liên quan).

Chi mua sắm tài sản, trang thiết bị làm việc: các cơ quan, đơn vị tổ chức, rà soát, bố trí sắp xếp lại tài sản trang thiết bị làm việc hiện có tại đơn vị theo tiêu chuẩn, định mức, bảo đảm sử dụng tài sản hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu công việc. Đối với tài sản mua sắm, trang bị mới phải được theo dõi, hạch toán đầy đủ vào sổ kế toán cả về mặt hiện vật và giá trị; thực hiện việc lập thẻ tài sản cố định và đăng ký quyền quản lý sử dụng tài sản theo quy định. Chứng từ quyết toán kinh phí mua sắm tài sản cầu phải có ( Kế hoạch mua sắm tài sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt chi tiết theo từng loại tài sản mua sắm; Hồ sơ đấu thầu (trong trường hợp phải tổ chức đấu thầu); Quyết định mua sắm tài sản trang thiết bị làm việc của thủ trưởng đơn vị hoặc của cấp có thẩm quyền theo phân cấp; Hợp đồng, thanh lý hợp đồng mua sắm tài sản; Hoá đơn bán hàng hoá của người bán..).

Chi tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động: Các cơ quan đơn vị được giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính thực hiện tiết kiệm kinh phí giao tự chủ đối để có điều kiện tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức trên cơ sở hoàn thành nhiệm vụ được giao. Việc sử dụng kinh phí tiết kiệm được để chi cho cán bộ, công chức theo hiệu quả công việc, hiệu suất công tác; không được sử dụng kinh phí được giao không thực hiện tự chủ để chi trả thu nhập tăng thêm.

Thực hiện công tác kế toán và quyết toán chi ngân sách nhà nước

Lập chứng từ kế toán, mở ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính

Các cơ quan, đơn vị phải thực hiện lập chứng từ kế toán theo đúng mẫu chứng từ kế toán được Bộ Tài chính quy định tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017. Chứng từ kế toán lập nội dung phải rõ ràng; chữ viết trên chứng từ phải rõ ràng, không được tẩy xoá, không viết tắt, số tiền bằng chữ phải khớp đúng với số tiền bằng số; chữ ký trên chứng từ kế toán phải có đầy đủ chữ ký theo các chức danh quy định trên chứng từ. Định kỳ phải lập Biên bản kiểm kê vật tư, công cụ, sản phẩm hàng hoá theo, Biên bản kiểm kê quỹ; Biên bản kiểm kê tài sản cố định theo mẫu tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC.

Sổ kế toán phải được mở đầy đủ và ghi chép, quản lý, bảo quản, lưu trữ sổ kế toán theo đúng quy định của Luật Kế toán. Việc mở sổ kế toán phải bảo đảm đầy đủ các thủ tục pháp lý của sổ kế toán theo quy định (ghi rõ tên đơn vị, ngày tháng năm lập sổ, ngày tháng năm khoá sổ, họ tên, chữ ký của người lập sổ, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán và thủ trưởng đơn vị, giữa các trang sổ phải đóng dấu giáp lai của đơn vị kế toán).

Báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán phải được lập theo đúng mẫu biểu quy định, phản ánh đầy đủ các chỉ tiêu đã quy định tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Báo cáo quyết toán phải thuyết minh chi tiết cụ thể về tình hình biên chế, lao động quỹ lương; tình hình thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ cơ bản thường xuyên của đơn vị, tình hình kinh phí chưa quyết toán, tình hình nợ, tình hình sử dụng các quỹ và phân tích đánh giá những nguyên nhân các biến động phát sinh, nêu ra kiến nghị xử lý.

Thực hiện các kiến nghị của các cơ quan chức năng

Các cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các kiến nghị của các quan chức năng theo đúng thời gian đã thông báo kiến nghị. Tổng hợp báo cáo kết quả xử lý các kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán gửi cơ quan tài chính cùng với báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm, trong báo cáo phải nêu rõ những tồn tại về quản lý tài chính ngân sách đã được khắc phục, những tồn tại chưa khắc phục và thời gian, biện pháp để khắc phục trong thời gian tới.

Đối với những khoản thu không đúng chế độ bị kiến nghị hoàn trả cho người nộp hoặc thu hồi nộp cho ngân sách nhà nước, các khoản chi sai chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức bị kiến nghị xử lý thu hồi nộp ngân sách nhà nước, các cơ quan, đơn vị phải xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước, không được sử dụng kinh phí được ngân sách cấp để nộp trả ngân sách đối với các khoản thu, chi sai chế độ do các tổ chức cá nhân vi phạm gây ra.

Xem thêm: Quản lý ngoại hối đối với nguồn vốn ngoại tệ của dự án tài chính vi mô

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.
Cao Bích Tuyền

Cao Bích Tuyền

https://luatcongty.vn Cao Bích Tuyền là sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng. Hiện tại Bích Tuyền đang là content editor của website luatcongty.vn

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.19919 sec| 1008.031 kb