Đấu thầu là gì?
Dưới góc độ kinh tế
Xét về bản chất kinh tế, đấu thầu là một phương thức lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của các chủ thể trong xã hội. Đấu thầu là phạm trù kinh tế tồn tại trong nền kinh tế thị trường, trong đó, người mời thầu đóng vai trò tổ chức để các nhà thầu cạnh tranh nhau. Mục tiêu của người mua là có được hàng hóa và dịch vụ thỏa mãn các yêu cầu của mình về kỹ thuật, chất lượng với chi phí thấp nhất. Mục tiêu của các nhà thầu là giành được quyền cung cấp hàng hóa dịch hoặc dịch vụ đó với giá cả bù đắp các chi phí đầu vào đồng thời đảm bảo mức lợi nhuận cao nhất có thể, trong điều kiện cạnh tranh với nhiều nhà thầu khác.
Dưới góc độ quản lý hành chính nhà nước
Xét trên góc độ quản lý hành chính nhà nước thì đấu thầu là khái niệm chỉ xâu chuỗi các trình tự, thủ tục mà các bên tham gia phải thực hiện trong quá trình đấu thầu bao gồm các bước sau: chuẩn bị đấu thầu; tổ chức đấu thầu, xét thầu; trình duyệt thẩm định; đăng ký vào hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu.
Dưới góc độ luật học
Theo Điều 214 Luật thương mại năm 2005, “đấu thầu hàng hóa, dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên mua hàng hóa, dịch vụ thông qua mời thầu nhằm lựa chọn trong số các thương nhân đáp ứng tốt nhất các yêu cầu do bên mời thầu đặt ra và được lựa chọn để ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng”. Theo quy định này, đấu thầu là quá trình diễn ra trước khi ký kết hợp đồng, có mục đích cuối cùng là ký hợp đồng.
Như vậy, dưới góc độ khoa học pháp lý, “đấu thầu” có thể hiểu dưới các khía cạnh sau:
Thứ nhất, đấu thầu là một chế định của pháp luật thương mại, là toàn bộ các quy phạm pháp luật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội giữa các chủ thể trong quá trình thực hiện chức năng kinh tế của Nhà nước.
Thứ hai, đấu thầu là một loại hoạt động đặc biệt của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm lựa chọn người đáp ứng tốt nhất các yêu cầu do mình đặt ra để ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng
Đặc điểm pháp lý của hoạt động đấu thầu
Đấu thầu luôn gắn liền với quan hệ mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Đấu thầu chỉ được tổ chức khi các chủ thể có nhu cầu mua sắm hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ với mục đích lựa chọn được người cung cấp hàng hóa, dịch vụ tốt nhất. Kết quả đấu thầu là cơ sở để các bên thương thảo hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các chi tiết của hồ sơ dự thầu sẽ được đưa vào trong nội dung của hợp đồng.
Quan hệ đấu thầu hàng hóa, dịch vụ luôn được xác lập giữa một bên mời thầu và nhiều nhà thầu. Về nguyên tắc, số lượng nhà thầu tham dự một gói thầu luôn phải nhiều hơn một. Theo nguyên tắc này thì chỉ định thầu là một trường hợp ngoại lệ trong thủ tục đấu thầu.
Hình thức pháp lý của quan hệ đấu thầu hàng hóa, dịch vụ là hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu. Hồ sơ mời thầu là văn bản pháp lý do bên mời thầu lập, trong đó thể hiện đầy đủ những yêu cầu kỹ thuật, tài chính và thương mại của hàng hóa, dịch vụ và những điều kiện khác của gói thầu. Còn hồ sơ dự thầu thể hiện năng lực, mức độ đáp ứng của bên dự thầu trước các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu.
Tóm lại, dưới góc độ pháp lý thì đấu thầu hàng hóa, dịch vụ vừa có những tính chất chung của hoạt động thương mại độc lập, lại vừa có những đặc điểm riêng so với các hoạt động thương mại khác.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.