Quy trình quyết toán ngân sách nhà nước

Bởi Hồ Thị Ngọc Ánh - 02/08/2020
view 2956
comment-forum-solid 0

Trong các khâu của chu trình quản lý ngân sách nhà nước (NSNN), quyết toán là khâu cuối cùng, qua đó đánh giá lại toàn bộ NSNN sau một năm thực hiện, từ khâu lập dự toán, khâu phân bổ cũng như chấp hành và điều hành NSNN.  

Bài viết được thực hiện bởi chuyên viên pháp lý Hồ Thị Ngọc Ánh – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài (24/7): 1900 6198 Bài viết được thực hiện bởi chuyên viên pháp lý Hồ Thị Ngọc Ánh – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài (24/7): 1900 6198

Số liệu và tình hình quyết toán NSNN là cơ sở để các cơ quan quản lý phân tích, đánh giá tình hình tài chính - ngân sách của quốc gia, từ đó có những quyết sách phù hợp nhằm quản lý tối ưu nguồn lực tài chính - ngân sách trong giai đoạn tiếp theo.

Đứng trên góc độ thực hiện công tác chuyên môn, có thể hiểu quyết toán NSNN là việc tổng hợp các khoản thu, chi của Nhà nước để lập báo cáo đánh giá tình hình thực thu, thực chi NSNN theo nội dung, chỉ tiêu dự toán ngân sách trong một năm và được cấp có thẩm quyền phê chuẩn.

Phạm vi quyết toán NSNN

Phạm vi các khoản thu, chi NSNN được tổng hợp quyết toán NNSN hàng năm được quy định tại Điều 5 Luật NSNN 2015, cụ thể như sau:

Các khoản thu NSNN bao gồm: Toàn bộ các khoản thu từ thuế, lệ phí; các khoản thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện (đối với trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì khoản chi phí hoạt động sẽ được khấu trừ trước khi tính khoản thu để nộp NSNN); các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thực hiện nộp NSNN... và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

Các khoản thu được tổng hợp quyết toán thu NSNN phải là số thu đã thực nộp, đã được hạch toán thu NSNN theo quy định, đảm bảo tính chính xác, trung thực và đầy đủ. Các khoản thu thuộc ngân sách các năm trước nộp ngân sách năm sau được hạch toán vào thu ngân sách năm sau.

Đối với những khoản thu NSNN không đúng quy định của pháp luật phải được hoàn trả cho đối tượng đã nộp; những khoản thu NSNN nhưng chưa thu phải được truy thu đầy đủ cho ngân sách.

Các khoản chi NSNN bao gồm: Chi đầu tư phát triển; chi dự trữ quốc gia; chi thường xuyên... và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

Các khoản chi được tổng hợp quyết toán chi NSNN phải là số chi đã thực thanh toán và đã hạch toán chi NSNN theo quy định. Số liệu

chi NSNN của đơn vị sử dụng ngân sách, của chủ đầu tư và của ngân sách các cấp trước khi được tổng hợp báo cáo quyết toán NSNN phải được đối chiếu, xác nhận với KBNN nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch.

Các khoản chi không đúng với quy định của pháp luật, cần phải thu hồi đầy đủ cho NSNN.

Quy trình quyết toán ngân sách

Theo quy định của Luật NSNN, quy trình quyết toán NSNN được khái quát gồm các bước cơ bản sau đây:

Bước 1: Đơn vị lập và gửi Báo cáo quyết toán NSNN

Kết thúc năm ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách phải thực hiện khoá sổ kế toán ngân sách, xử lý ngân sách cuối năm và đối chiếu với KBNN nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để xác nhận số liệu, từ đó lập Báo cáo quyết toán NSNN.

Báo cáo quyết toán NSNN của đơn vị sử dụng ngân sách được gửi đơn vị dự toán cấp trên xét duyệt, sau đó tổng hợp và gửi đơn vị dự toán cấp I. Sau khi xét duyệt quyết toán của các đơn vị trực thuộc, đơn vị dự toán cấp I tổng hợp, lập Báo cáo quyết toán NSNN gửi cơ quan tài chính cùng cấp để cơ quan tài chính thẩm định quyết toán NSNN theo quy định.

Về thời hạn đơn vị dự toán cấp I gửi Báo cáo quyết toán NSNN:

Đối với ngân sách trung ương: Đơn vị dự toán cấp I (các Bộ, cơ quan trung ương) gửi Báo cáo quyết toán NSNN cho Bộ Tài chính chậm nhất trước ngày 01/10 năm sau.

Đối với ngân sách địa phương: Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể thời hạn đơn vị dự toán cấp I gửi Báo cáo quyết toán NSNN cho cơ quan tài chính cùng cấp, tuy nhiên cần đảm bảo thời hạn để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương cho Bộ Tài chính trước ngày 01/10 năm sau.

Bước 2: Cơ quan tài chính, KBNN thẩm định Báo cáo quyết toán NSNN

Đối với ngân sách địa phương:

Cơ quan tài chính: Thẩm định quyết toán của đơn vị dự toán cấp I cùng cấp và quyết toán NSNN của ngân sách cấp dưới. Sau đó, cơ quan tài chính tổng hợp quyết toán ngân sách cấp mình và ngân sách cấp dưới để gửi cơ quan tài chính cấp trên thẩm định.

Theo quy định tại Điều 67 Luật NSNN năm 2015, Bộ Tài chính không thực hiện thẩm định đối với quyết toán ngân sách năm của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tuy nhiên, trong quá trình tổng hợp quyết toán NSNN, trường hợp phát hiện có sai sót, Bộ Tài chính yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp điều chỉnh lại số liệu. Trường hợp phát hiện sai phạm, Bộ Tài chính xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Kết thúc quá trình thẩm định quyết toán NSNN, cơ quan tài chính trình Ủy ban nhân dân để trình Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương. Tiếp theo, cơ quan tài chính gửi Bộ Tài chính Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương để làm căn cứ tổng hợp quyết toán NSNN.

Đối với ngân sách trung ương:

Các đơn vị quản lý chuyên ngành của Bộ Tài chính (các Vụ, Cục, Tổng cục) chủ trì thẩm định đối với các khoản chi NSNN như: Chi thường xuyên, chi đầu tư, chi vay nợ, chi viện trợ, chi dự trữ quốc gia...

Các đơn vị quản lý chuyên ngành của Bộ Tài chính sẽ gửi xin ý kiến KBNN thẩm định quyết toán NSNN của các Bộ, cơ quan trung ương. Căn cứ số liệu trên hệ thống TABMIS và căn cứ tài liệu quyết toán NSNN của các Bộ, cơ quan trung ương, KBNN tham gia ý kiến gửi các Vụ, Cục, Tổng cục chuyên ngành. Các Vụ, Cục, Tổng cục chuyên ngành tổng hợp và trình Lãnh đạo Bộ Tài chính ban hành Thông báo thẩm định quyết toán NSNN của các Bộ, cơ quan trung ương, kèm nhận xét, kiến nghị hoặc yêu cầu điều chỉnh lại số liệu.

Bước 3: KBNN (trung ương) tổng hợp, lập Báo cáo quyết toán NSNN

Theo quy định tại Quyết định 26, nhiệm vụ tổng hợp, lập Báo cáo quyết toán NSNN hằng năm được giao cho KBNN thực hiện.

KBNN căn cứ số liệu thu, chi NSNN, căn cứ Thông báo thẩm định quyết toán NSNN của các Bộ, cơ quan trung ương (đối với ngân sách trung ương) và số liệu ngân sách địa phương do Vụ NSNN tổng hợp trên cơ sở Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương để tổng hợp, lập Báo cáo quyết toán NSNN trình Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội theo quy định.

Bước 4: Kiểm toán Nhà nước kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN

Để đảm bảo tính đúng đắn, trung thực của số liệu quyết toán NSNN, Luật NSNN quy định:

Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN trước khi trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn.

Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương trước khi gửi Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê chuẩn.

Chậm nhất ngày 01/10 hằng năm, các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương phải gửi Kiểm toán Nhà nước Báo cáo quyết toán NSNN để thực hiện kiểm toán.

Đối với Báo cáo quyết toán NSNN được tổng hợp từ Báo cáo quyết toán của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương: Chậm nhất ngày 28/02 năm sau nữa của năm quyết toán, Bộ Tài chính (KBNN) gửi Kiểm toán Nhà nước để thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN trước khi trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn. Sau khi gửi Kiểm toán Nhà nước Báo cáo quyết toán NSNN, KBNN phối hợp với các Vụ, Cục, Tổng cục giải trình với Kiểm toán Nhà nước theo yêu cầu.

Bước 5: Quốc hội phê chuẩn Báo cáo quyết toán NSNN

Trước khi Chính phủ trình Quốc hội, Báo cáo quyết toán NSNN phải được Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thẩm tra với chức năng là cơ quan chuyên môn giúp việc cho Quốc hội về lĩnh vực tài chính - ngân sách.

Việc thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội được thực hiện căn cứ vào Báo cáo quyết toán NSNN của Chính phủ, các thông tin do cơ quan kiểm toán báo cáo và kết quả hoạt động giám sát của các Uỷ ban và các đại biểu Quốc hội. Quá trình thẩm tra có thể thực hiện qua nhiều bước (và có thể phải điều chỉnh lại báo cáo quyết toán theo yêu cầu); khi kết thúc, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội sẽ có Báo cáo thẩm tra về Báo cáo quyết toán NSNN để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến và trình Quốc hội.

Căn cứ vào các tài liệu: Báo cáo quyết toán NSNN do Chính phủ trình; Báo cáo của cơ quan Kiểm toán Nhà nước và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN. Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN chậm nhất là 18 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách.

Sau khi Báo cáo quyết toán NSNN được Quốc hội phê chuẩn, Chính phủ có nghĩa vụ công khai quyết toán NSNN (kèm theo Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán NSNN) để xã hội và công chúng có thể tiếp cận với số liệu, tài liệu quyết toán NSNN.

Xem thêm:

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.
Hồ Thị Ngọc Ánh

Hồ Thị Ngọc Ánh

https://luatcongty.vn Hồ Thị Ngọc Ánh là chuyên viên pháp lý của một công ty luật tại Hà Nội. Hiện tại Ngọc Ánh cũng đang là content editor của website luatcongty.vn

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.58710 sec| 1019.477 kb