Nội dung chế định pháp luật về vốn trong công ty cổ phần (CTCP) gồm những hình thức chủ yếu như: vốn điều lệ, tài sản góp vốn, hình thức góp vốn, định giá tài sản góp vốn, thời hạn góp vốn, chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn,... Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu quy định pháp luật về việc góp vốn đối với CTCP trong bài viết hôm nay.
Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Bích Phượng - Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198Góp vốn có ý nghĩa quyết định tạo lập nên công ty, vì vậy, pháp luật phải can thiệp ngay từ giai đoạn “tiền công ty”, nghĩa là trước khi doanh nghiệp được thành lập.
Công ty nói chung và CTCP nói riêng được hình thành trên cơ sở góp vốn (hay góp tài sản). CTCP có cách thức tạo lập vốn rất đặc biệt, đó là phát hành cổ phiếu. Khi thành lập công ty, các sáng lập viên kêu gọi mọi người mua cổ phiếu.
Dựa trên cơ sở mệnh giá cổ phần, pháp luật xác định vốn điều lệ của CTCP. Đối với CTCP, vốn điều lệ được hiểu là: "tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần."
Cổ phần đã bán là số cổ phần được quyền chào bán đã được các cổ đông thanh toán đủ cho công ty. Tại thời điểm đăng kí thành lập doanh nghiệp, cổ phần đã bán là tổng số cổ phần các loại đã được đăng kí mua. Như vậy, vốn điều lệ của CTCP tại thời điểm đăng kí thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng kí mua và được ghi trong Điều lệ công ty. Việc đăng kí mua cổ phần chưa hình thành vốn của công ty, vốn của công ty chỉ thực sự hình thành khi các cổ đông đã thanh toán tiền mua cổ phần.
Bản chất của góp vốn xét dưới góc độ kinh tế là góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, phần vốn góp của các cổ đông trở thành tài sản của công ty.
Về phương diện pháp lí, góp vốn là nghĩa vụ pháp lí quan trọng nhất của các thành viên, khi các thành viên cam kết góp vốn là họ đã tự ràng buộc mình trở thành con nợ của công ty do chính họ tạo lập nên, và công ty là pháp nhân đã trở thành chủ nợ của chính người chủ của mình.
Về hình thức góp vốn trong CTCP vẫn phải tuân theo các quy định chung về góp vốn được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2020.
“Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.”.
Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định tại Điều 34 về tài sản góp vốn:"Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam"
Theo quan niệm về tài sản của pháp luật Việt Nam, có thể chia tài sản góp vốn vào doanh nghiệp thành các loại sau:
(i) Góp vốn bằng tiền, bao gồm Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi. .
(ii) Góp vốn bằng tài sản hiện vật, thực chất là góp vốn bằng quyền sở hữu đối với vật đó. Vật đó có thể là bất động sản hữu hình hoặc động sản hữu hình, ví dụ như góp vốn bằng ngôi nhà, góp vốn bằng máy móc, thiết bị...
(iii) Góp vốn bằng quyền tài sản. Việc góp vốn bằng quyền tài sản sẽ rất phức tạp không chỉ vì khó trong việc tính toán định trị giá của nó bởi đây là loại tài sản vô hình mà còn phức tạp trong việc phân loại quyền. Điều đó cắt nghĩa tại sao ở nước ta trong thực tế góp vốn bằng quyền tài sản để thành lập công ty rất hạn chế. Quyền tài sản theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp năm 2020 được quy định cụ thể tại Điều 34 gồm: Giá trị quyền sử dụng đất; Giá trị quyền sở hữu trí tuệ.
(iv) Góp vốn bằng tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Tài sản khác được hiểu là những loại tài sản không thuộc những tài sản kể trên và phải được phép lưu thông. Đây là quy định mở, trong thực tiễn có thể góp vốn bằng: Tri thức, góp vốn bằng công việc...
Pháp luật quy định tài sản dùng để góp vốn vào công ty, song góp vốn bằng loại tài sản nào, cách thức góp như thế nào, còn phụ thuộc vào sự thoả thuận cụ thể trong các hợp đồng thành lập công ty.
Về nguyên tắc, những tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được mang ra định giá và thể hiện thành Đồng Việt Nam. Song tài sản mang ra định giá còn phải được các thành viên và cổ đông sáng lập chấp nhận là tài sản góp vốn (tránh trường hợp công ty không có nhu cầu sử dụng tài sản đó).
Góp vốn khi thành lập doanh nghiệp: Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% cổ đông sáng lập chấp thuận.
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Góp vốn trong quá trình hoạt động: Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và Hội đồng quản trị chấp thuận.
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế
Định giá tài sản góp vốn có ý nghĩa quan trọng bởi mục đích của định giá trước tiên là xác định giá trị vốn góp của cổ đông, qua đó bảo đảm quyền lợi của cổ đông trong công ty, đảm bảo sự bình đẳng, công bằng giữa các cổ đông, sau đó, việc định giá sẽ xác định đúng giá trị tài sản của công ty, bảo vệ quyền lợi cho các đối tác của công ty. Pháp luật của nhiều nước trên thế giới còn quy định, cổ đông có tài sản góp vốn phải định giá không được tham gia biểu quyết việc định giá, họ chỉ được giải thích về những vấn đề có liên quan đến tài sản định giá. Riêng đối với CTCP, thì những người tham gia định giá còn không phải chịu trách nhiệm trước các đối tác của công ty, trừ khi họ có hành vi gian trá hoặc giá trị tài sản định giá có sự sai lệch quá mức.
Sau khi định giá tài sản thành một giá trị được tính bằng Đồng Việt Nam, sẽ được quy đổi thành số cổ phần cho các đông mà họ đã đăng kí mua, tức là thanh toán tiền mua cổ phần.
Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198Như đã trình bày, việc đăng kí mua cổ phần chưa hình thành vốn của công ty, vốn của công ty chỉ thực sự hình thành khi các cổ đông đã thanh toán tiền mua cổ phần. Vì vậy, pháp luật phải quy định rõ thời hạn thanh toán, trách nhiệm đôn đốc, giám sát việc thanh toán và các giải pháp xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến việc thanh toán mua cổ phần.
Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định việc thanh toán cổ phần đã đăng kí mua khi thành lập công ty như sau:
"Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn ... Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua."
Nếu sau thời hạn quy định, có cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng kí mua thì thực hiện theo quy định sau:
+ Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;
+ Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;
+ Cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán;
+ Công ty phải đăng kí điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng kí mua theo quy định của pháp luật.
CTCP là một pháp nhân, bản tính của pháp nhân là có tài sản độc lập với tài sản của các thành viên đã tạo lập nên pháp nhân đó, hay còn gọi là nguyên tắc tách bạch tài sản. Hành vi góp vốn của các cổ đông chính là hành vi tạo lập nên pháp nhân - công ty. Vì vậy, các thành viên góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho công ty. Việc góp vốn có thể được thực hiện bằng các loại tài sản khác nhau, do đó việc chuyển quyền sở hữu tài sản cũng phải theo các quy chế pháp lý khác nhau tương ứng với từng loại tài sản.
Những quy định mang tính nguyên tắc chung về chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn được Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định tại Điều 35 như sau:
(i) Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ.
(ii) Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản.
Tham khảo thêm các bài viết về mẫu hợp đồng góp vốn:
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm