Phân biệt giữa quyền sở hữu công nghiệp với buôn bán hàng giả

Bởi Phan Thị Thúy Hiền - 24/03/2021
view 319
comment-forum-solid 0

Trong những năm qua, để phân biệt tình trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) ngày một gia tăng, đồng thời để đáp ứng các nghĩa vụ phát sinh từ các Điều ước quốc tế về việc thiết lập một cơ chế hữu hiệu bao gồm các biện pháp dân sự, hình sự, hành chính để bảo vệ quyền SHCN, các nhà làm luật Việt Nam đã đưa vào Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015. Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, một tội phạm mới là tội xâm phạm quyền SHCN (Điều 226).

Phân biệt Bài viết được thực hiện bởi chuyên viên pháp lý Nguyễn Kiến Hải Hoàng – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài (24/7): 1900 6198

Phân biệt tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” với tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”

Trong cấu thành tội phạm của tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” và tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” có sự tương đồng về chủ thể tội phạm và mặt chủ quan của tội phạm. Chủ thể tội phạm của các tội này đều không phải là chủ thể đặc biệt và phải thỏa mãn các điều kiện về năng lực hành vi hình sự và tuổi chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Việc phân biệt hai tội phạm trên dựa trên yếu tố khách thể và mặt khách quan của tội phạm, cụ thể như sau:

Khách thể của tội phạm

Bộ luật hình sự 2015 (BLHS) xác định tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” thuộc nhóm các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại tại Mục 1, Chương XVIII. Nhóm tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả quy định tại Mục này còn bao gồm các tội: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi (Điều 195). Nhóm tội phạm này tương đồng về cấu thành tội phạm, tuy nhiên do những đặc thù về mặt hàng bị làm giả dẫn đến sự phân loại tính nguy hiểm cho xã hội khác nhau. Vì vậy BLHS quy định về căn cứ định tội và định khung hình phạt đối với từng tội phạm trên có sự khác biệt.

Tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” được quy định thuộc Mục 3, Chương XVIII của BLHS, tức là nhóm tội phạm khác xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Cụ thể hơn, tội phạm này cùng với tội “Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” quy định tại Điều 225 BLHS thuộc nhóm tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế đối với quyền sở hữu trí tuệ. Gây khó dễ cho cơ quan chức năng trong việc phân biệt.

Việc xác định sự khác biệt về khách thể của tội phạm đối với tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” và tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” có ý nghĩa xác định sự khác nhau giữa các quan hệ pháp luật mà các tội phạm này xâm phạm, từ đó có một nhận thức đúng đắn về mặt khách quan như phân tích dưới đây.

Mặt khách quan của tội phạm

Để phân biệt rõ mặt khách quan của tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” và tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” cần phải làm rõ quy định của pháp luật hiện hành về khái niệm “hàng giả” là đối tượng của tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” và “hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý” là đối tượng của tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.

Các văn bản pháp luật hình sự hiện chưa quy định cụ thể về hai khái niệm trên, do đó cần phải căn cứ vào các quy định của pháp luật liên quan và phù hợp với quy định của pháp luật hình sự. Khái niệm hàng giả trước đây được quy định tại Thông tư liên tịch của Bộ thương mại – Bộ tài chính – Bộ công an – Bộ Khoa học công nghệ và môi trường số 10/2000/TTLT – BTM – BTC – BCA – BKHCNMT ngày 27/04/2000 hướng dẫn thực hiện chỉ thị số 31/1999/CT – TTg ngày 27/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả. Hiện nay, khái niệm hàng giả được ghi nhận tại Khoản 8, Điều 3 Nghị định số số 185/2013/NĐ – CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sau đây gọi là Nghị định số 185).

Những loại hàng giả theo quy định pháp luật

Theo Nghị định số 185, “hàng giả” có thể chia làm 04 loại khác nhau, đó là:

Loại thứ nhất: Hàng giả về chất lượng, công dụng quy định tại điểm a, b, c, d khoản 8 Điều 3 của Nghị định số 185. Đối với loại hàng giả này, Nghị định số 185 quy định cụ thể về mức xử phạt hành chính đối với hành vi buôn bán và sản xuất chúng với số lượng tương đương với số lượng của hàng thật và chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 11, Điều 12;

Loại thứ hai: Hàng giả về nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm đ và e khoản 8 Điều 3 Nghị định số này. Nghị định số 185 quy định về xử phạt hành vi buôn bán, sản xuất loại này với số lượng tương đương với số lượng của hàng thật và chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 13, Điều 14;

Loại thứ ba: Tem, nhãn, bao bì giả. Nghị định số 185 quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi sản xuất, mua bán tem, nhãn, bao bì giả tại Điều 15, Điều 16 Nghị định số này.

Đối với ba loại hàng giả trên, Nghị định số 185 quy định rất rõ về số lượng hàng giả bị xử phạt là từ dưới 01 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng. Trong một số trường hợp, hàng giả tương đương với số lượng hàng thật trị giá từ 30 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì vẫn chịu chế tài về hành chính.

Loại thứ tư: Quy định tại điểm g Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 185 là hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ (trên thị trường thường gọi là “hàng nhái”) quy định tại Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ bao gồm hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu, giả mạo về chỉ dẫn địa lý và hàng hóa sao chép lậu. Tuy nhiên chỉ có hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và hàng hóa giả mạo về chỉ dẫn địa lý đối tượng của chế tài hình sự theo Điều 226 BLHS. Theo quy định thì đây là loại hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

Với loại hàng hóa này thì cần phải chú ý: Nghị định số 185 không quy định về xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán loại hàng giả này bởi lẽ hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ là đối tượng điều chỉnh của Luật sở hữu trí tuệ, do đó việc xử lý đối với các hành vi này bằng các biện pháp dân sự, hành chính sẽ được căn cứ vào quy định tại Phần thứ năm Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản liên quan. Việc xử phạt hành chính sẽ được căn cứ vào quy định tại Điều 12 Nghị định số 99/2013/NĐ – CP ngày 29/08/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (Nghị định số 99/2013).

Như vậy, có thể thấy rằng mặc dù Nghị định số 185 xác định hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ là hàng giả, tuy nhiên việc xác định hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ cần căn cứ vào quy định của Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật có liên quan, cụ thể là Nghị định số 99/2013.

Từ những phân tích như trên, cần chú ý phân biệt những yếu tố khác trong mặt khách quan của hai tội phạm này như sau:

Về xác định giá trị hàng hóa vi phạm: Đối với giá trị hàng giả thì theo quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự; Điều 60 Luật xử lý vi phạm hành chính; Điều 5 Nghị định số 185, được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 6, Điều 1 Nghị định số số 124/2015/NĐ – CP thì giá trị hàng giả được xác định là giá thị trường của hàng hóa thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng, kỹ thuật, công dụng tại thời điểm nơi phát hiện vi phạm.

Một số quy định khác khi phân biệt hai loại hình

Trong khi đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 60 Luật xử lý vi phạm hành chính; Điều 4 Nghị định số số 99/2013/NĐ – CP được hướng dẫn tại Điều Thông tư 11/2015/TT – BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ thì giá trị hàng hóa vi phạm đối với hàng hóa giả mạo sở nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác định theo giá niêm yết hoặc giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu; giá theo thông báo của cơ quan tài chính địa phương. Trường hợp không có thông báo giá thì giá theo giá thị trường của địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm hành chính hoặc giá thành của hàng hóa vi phạm nếu là hàng hóa chưa xuất bán. Trường hợp không thể áp dụng các căn cứ trên để xác định giá trị tang vật là hàng hóa vi phạm thì có thể ra quyết định tạm giữ tang vật vi phạm và thành lập Hội đồng định giá theo quy định.

Về xác định hành vi khách quan của tội sản xuất, buôn bán hàng giả và tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp:Hành vi “sản xuất”, “buôn bán” đối với hàng giả đã được hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định số 185, bao gồm các hoạt động chế tạo, in ấn, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, đóng gói…, cũng như các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng hóa vào lưu thông.

Còn đối với việc xác định hành vi cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam thì cần áp dụng theo quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ, tức là hành vi sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn
Phan Thị Thúy Hiền

Phan Thị Thúy Hiền

Phan Thị Thúy Hiền là một cô gái nhiệt tình, vui vẻ và yêu đời. Có niềm đam mê với việc viết lách, thích tìm hiểu, phân tích các vấn đề pháp lý khác nhau để tạo thêm nhiều giá trị cho bản thân. Vì vậy rất mong muốn được chia sẽ những kiến thức mà mình học hỏi và tìm hiểu đến bạn đọc. Các bài viết của Thúy Hiền trên website luatcongty.vn là những kiến thức mà Hiền muốn chia sẻ đến mọi người

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.48275 sec| 1023.82 kb