Quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử

Bởi Phạm Thị Yến Nhi - 25/09/2020
view 334
comment-forum-solid 0

Khi nói đến sở hữu trí tuệ là người ta nói đến những sáng tạo của trí óc mà sản phẩm là các phát minh sáng chế, các tác phẩm văn học hay nghệ thuật, những biểu tượng, các tên gọi, hình ảnh, và thiết kế sử dụng trong thương mại. Như vậy, quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử là gì và có tác dụng gì trong đời sống xã hội hiện nay?

Chuyên viên tư vấn sở hữu trí tuệ – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử là như thế nào?

Bản thân mỗi sản phẩm trí tuệ là một tài sản, và giá trị tài sản trí tuệ đang ngày một tăng cao so với tài sản vật chất do mức độ quan trọng của các công nghệ cũng như những sáng tạo hữu ích trong nền kinh tế mới, và do sự toàn cầu hóa buộc mọi người phải chấp nhận một nguyên tắc bảo hộ chung cho loại hình tài sản đó.

Trên thực tế, tài sản sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ hơn một thế kỷ qua, nhưng khi nền kinh tế Internet dần tiến lên đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế tri thức thì vấn đề sở hữu trí tuệ trong môi trường kỹ thuật số phải được đặt ra, nhất là trong tương quan cũng như mối ràng buộc giữa sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử, một đặc thù kinh doanh quan trọng nhất của thế giới Internet. Trong hơn một thế kỷ đó, định nghĩa về sở hữu trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ luôn được cập nhật, thay đổi, bổ sung cho phù hợp với các giai đoạn phát triển kinh tế của thế giới và của mỗi nước.

Quyền sở hữu trí tuệ là một nội dung luật học có phạm vi điều chỉnh các quyền sở hữu công nghệ, tác quyền và những quyền liên quan. Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm quyền được luật pháp bảo hộ chống lại mọi hình thức xâm phạm tài sản sở hữu trí tuệ. Lúc đầu, mỗi quốc gia có một quy định riêng nhưng kể từ ngày Công ước Berne ra đời và nhất là sau khi thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 1967, các quy định này dần trở nên thống nhất do các nước cùng công nhận công ước và những quy định của WIPO làm nền tảng trong việc thương thảo các thỏa thuận thương mại song phương, đa phương, và cả khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Mỹ là nước có kho tài sản trí tuệ quan trọng nhất hiện nay. Ở đó việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được chia làm bốn lĩnh vực, gồm bằng phát minh sáng chế (patents), thương hiệu và nhãn hiệu (trademarks), bản quyền và tác quyền (copyrights) và bí mật thương mại (trade secrets).

Phạm vi điều chỉnh quyền sở hữu trí tuệ quan trọng nhất hiện nay thuộc về lĩnh vực thương mại điện tử. Bản thân công nghệ thông tin và hệ thống mạng Internet đã là một tập hợp to lớn không thể đếm hết những tài sản trí tuệ đa dạng và tinh túy nhất trong thời đại ngày nay. Như vậy, khi nền thương mại điện tử đặt căn bản vận hành trong môi trường kỹ thuật số thì nó mặc nhiên sử dụng các tài sản này trong hệ thống mạng, bao gồm cả các ứng dụng miễn phí hay trả tiền, cộng với những tài sản do chính hoạt động của thương mại điện tử tạo nên. Nền thương mại điện tử tăng trưởng rất nhanh và nay bao gồm nhiều lĩnh vực, nhiều phương cách với tốc độ phát triển sáng tạo mỗi ngày một nhanh. Tất cả đã bắt đầu từ sự khai sinh cấu trúc siêu liên kết World Wide Web (www) của Tim Berners-Lee năm 1992 gắn cho mỗi trang mạng một địa chỉ để từ đó bất cứ ai muốn tìm (truy cập) đến nó đều có thể gặp được.

Mối tương quan tay trong tay giữa sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử ngày càng chặt chẽ. Ngay từ những năm đầu, thương mại điện tử đã bày bán các sản phẩm hay dịch vụ dựa trên cơ sở quyền sở hữu trí tuệ và quyền cấp giấy phép sử dụng, ví dụ như băng nhạc, phim ảnh, phần mềm, bản vẽ thiết kế, giáo trình đào tạo… Bản chất mỗi tài sản sở hữu trí tuệ là một tài sản mà chủ sở hữu có thể buôn bán, trao đổi với người khác dưới dạng bằng sáng chế (patent) hay cấp giấy phép sử dụng (license) mà không cần kèm theo hàng hóa hay dịch vụ. Trong nhiều trường hợp tài sản sở hữu trí tuệ là thành phần giá trị chính của việc giao dịch. Như chúng ta thấy bản thân các tài sản sở hữu trí tuệ là đối tượng giao dịch của thương mại điện tử, vì vậy việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đồng nghĩa với việc bảo đảm an toàn cho các hoạt động thương mại điện tử. Bất cứ hình thức xâm phạm nào đến các quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử như đánh cắp thương hiệu hay cướp lấy tên miền đều làm cho việc kinh doanh của công ty bị tổn hại.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử

Đối tượng cần được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử gồm ba nhóm: Bằng sáng chế (patent) tạo nên bởi tổ hợp các phần mềm để thực hiện chức năng thương mại điện tử đặc thù cho công ty; bản quyền (copyright) đối với trang web và cả những gì truyền đi trên trang web; và thương hiệu (trademark), bao gồm biểu tượng có giá trị và câu chữ giúp nhận diện công ty. Bản quyền cho phép chủ sở hữu có cơ sở pháp lý để bảo vệ công trình sáng tạo của mình không bị đánh cắp hay sử dụng trái phép. Trong trường hợp nội dung bản quyền gắn liền với vật thể như tờ giấy, tấm vải hay phần cứng thiết bị thì tác quyền mặc nhiên xuất hiện. Nhưng trong thương mại điện tử, tác quyền xuất hiện sớm hơn, nghĩa là ngay từ khi nội dung được sinh ra. Thương hiệu giúp cho người ta phân biệt sản phẩm hay dịch vụ của hãng này so với hãng khác. Một thương hiệu càng có giá trị cao khi càng được nhiều người biết, tin tưởng và yêu mến. Việc đánh giá tầm quan trọng của một công ty thương mại điện tử dựa trên giá trị và số lượng các tài sản trí tuệ được bảo hộ. Giá trị này một mặt tạo nên uy tín thương hiệu, mặt khác giúp định giá vốn hóa doanh nghiệp ở mỗi thời điểm, và cuối cùng được trưng dẫn mỗi khi xảy ra kiện tụng liên quan đến sở hữu trí tuệ, đặc biệt là bằng sáng chế, giữa các công ty trên những thị trường nhất định.

Trên thực tế, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử có ý nghĩa rất lớn. Nó có thể làm cho một doanh nghiệp phát triển nhanh chóng hay bị lụn bại. Internet tạo nên thị trường toàn cầu và sự cạnh tranh nơi đó không kém khốc liệt. Điều này buộc các doanh nghiệp thương mại điện tử dù lớn hay nhỏ phải quan tâm thực hiện các thủ tục bảo hộ và động tác kiểm tra nhằm bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của mình. Trong đó cần quan tâm đặc biệt đến thương hiệu, bản quyền, và việc ký kết các hợp đồng sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ. Trước hết, thương hiệu là công cụ sống còn của mọi doanh nghiệp thương mại điện tử. Thông qua thương hiệu doanh nghiệp tạo nên sự hiện diện rộng rãi trên Internet, nơi mà mọi người ở mọi nơi đều có thể tìm hiểu hay giao dịch. Vì vậy, thương hiệu trực tuyến có giá trị lớn hơn các bảng hiệu.

Về mặt bản quyền, một trang web thương mại điện tử bao gồm nhiều thành phần với nhiều chất liệu trên đó. Những chất liệu cần được quan tâm bảo vệ nhất gồm phần mềm để chạy các chương trình trên trang web, văn bản và hình ảnh trên trang, thành phần âm thanh và cơ sở dữ liệu. Giá trị kinh tế lớn nhất của quyền sở hữu trí tuệ nằm ở chỗ nó được dùng để cấp phép cho các cá nhân hoặc doanh nghiệp khác sử dụng, hoặc dưới hình thức cấp phép sản phẩm như phần mềm chương trình, hoặc dưới chính sở hữu trí tuệ đó như cấp phép khai thác bằng sáng chế. Nhưng đây lại là những cái bẫy hoặc lỗ hổng lớn nhất khả dĩ làm cho một tài sản sở hữu trí tuệ có thể bị đánh cắp, biến mất hay suy yếu. Doanh nghiệp cần quan tâm đến nội dung và ngôn từ trong các hợp đồng có liên quan đến sở hữu trí tuệ, như trong việc thỏa thuận thiết kế hay phát triển trang web, thỏa thuận cho phép khai thác bằng sáng chế và thỏa thuận cho phép sử dụng tên miền và thương hiệu.

Với sự gia nhập WTO và ký kết các thỏa thuận thương mại song phương hay đa phương với các nước và các khối, Việt Nam đã chấp nhận bộ Tiêu chuẩn thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, gọi tắt là TRIPs, và việc thành lập các bộ luật nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử là những bước đi tất yếu. Việc bảo hộ hữu hiệu quyền sở hữu trí tuệ là điều kiện tiên quyết để nước ta thiết lập và phát triển các ngành kỹ thuật cao, đồng thời tiếp nhận đầu tư vào các công ty công nghệ cao là nơi mà tài sản sở hữu trí tuệ lớn gấp nhiều lần các thứ tài sản vật chất.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.
Phạm Thị Yến Nhi

Phạm Thị Yến Nhi

https://luatcongty.vn Phạm Thị Yến Nhi một cô gái nhiệt tình, vui vẻ và yêu đời. Có niềm đam mê với việc viết lách, thích tìm hiểu, phân tích các vấn đề pháp lý khác nhau để tạo thêm nhiều giá trị cho bản thân. Vì vậy rất mong muốn được chia sẽ những kiến thức mà mình học hỏi và tìm hiểu đến bạn đọc. Các bài viết của Yến Nhi trên website luatcongty.vn là những kiến thức mà Nhi muốn chia sẻ đến mọi người

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.17534 sec| 999.406 kb