Quyền tác giả - quy định cần biết

view 126
comment-forum-solid 0

Quyền tác giả theo quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ là nội dung quan trong của pháp luật nhằm điều chỉnh quan hệ xã hội hướng đến việc trao cho tác giả, nghệ sỹ và các nhà sáng tạo khác sự bảo hộ đối với tác phẩm của họ. Việc bảo hộ quyền tác giả là cách để pháp luật bảo vệ quyền lợi của những người tạo ra tác phẩm và giá trị của tác phẩm đó.

Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật sở hữu trí tuệ, gọi tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Quyền tác giả là gì?

Căn cứ Khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung 2009: Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Để phân biệt quyền tác giả và quyền liên quan đến tác giả, vui lòng xem thêm bài viết: Phân biệt quyền tác giả và quyền liên quan đến tác giả

Phạm vi bảo hộ của quyền tác giả

Đối tượng được bảo hộ của quyền tác giả là tác phẩm. Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học được thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.

Tác phẩm được bảo hộ phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.

Các loại hình tác phẩm được bảo hộ ở Việt Nam bao gồm:

(i) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác. (Ký tự khác là tác phẩm được thể hiện bằng các ký hiệu thay cho chữ viết như chữ nổi cho người khiếm thị, ký hiệu tốc ký và các ký hiệu tương tự khác mà các đối tượng tiếp cận có thể sao chép được bằng nhiều hình thức khác nhau)

(ii) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác

(iii) Tác phẩm báo chí

(iv) Tác phẩm âm nhạc

(v) Tác phẩm sân khấu

(vi) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự

(vii) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng

(viii) Tác phẩm nhiếp ảnh

(ix) Tác phẩm kiến trúc

(x) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học

(xi) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian

(xii) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu

Lưu ý, căn cứ theo Điều 15 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả bao gồm:

  • Tin tức thời sự thuần túy đưa tin
  • Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó;
  • Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu

Để nắm rõ hơn về đối tượng được bảo hộ của quyền tác giả, vui lòng xem thêm bài viết: Đối tượng bảo hộ của quyền tác giả

Ý nghĩa của việc bảo hộ quyền tác giả

Cơ chế pháp lý bảo hộ quyền tác giả là môi trường pháp lý để cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học, bảo đảm quyền bình đẳng của cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học, bảo đảm quyền bình đẳng của cá nhân, tổ chức và loại trừ những hoạt động văn hóa không lành mạnh làm tổn hại đến lợi ích, văn hóa truyền thống của dân tộc.

Những quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tác giả đã tạo ra những cơ hội cho mỗi cá nhân thực sự có tài năng phát huy được năng khiếu của mình để cống hiến cho xã hội những tác phẩm đậm nét nhân văn phục vụ mục tiêu vì sự phát triển chung của nhân loại trong thời kỳ khoa học, công nghệ trên thế giới đang phát triển không ngừng.

Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật nêu trên, gọi tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Thủ tục thực hiện bảo hộ quyền tác giả

Ai có quyền đăng ký bảo hộ quyền tác giả?

Những đối tượng có quyền đăng ký bảo hộ quyền tác giả gồm:

Cá nhân, tổ chức là người trực tiếp làm nên sản phẩm hay còn gọi là tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả.

Chủ sở hữu quyền tác giả và tác giả trên có thể là: người nước ngoài, tổ chức nước ngoài lần đầu công bố tác phẩm ở Việt Nam mà chưa thực hiện công bố ở các nước khác hoặc công bố đồng thời trong vòng 30 ngày tại Việt Nam tính từ lúc tác phẩm đó lần đầu tiên công bố ở nước khác; các đối tượng có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan

Thành phần hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan cần phải đảm bảo đáp ứng đủ những tài liệu như sau:

(i) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả sử dụng mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả; Người biểu diễn, Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình và Tổ chức phát sóng đăng ký quyền liên quan sử dụng mẫu tờ khai đăng ký quyền liên quan. 

Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.

(ii) 02 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc 02 bản sao bản định hình đăng ký quyền liên quan.

01 bản lưu tại Cục Bản quyền tác giả, 01 bản đóng dấu ghi số Giấy chứng nhận đăng ký gửi trả lại cho chủ thể được cấp Giấy chứng nhận đăng ký.

Đối với những tác phẩm có đặc thù riêng như tranh, tượng, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng gắn với công trình kiến trúc; tác phẩm có kích thước quá lớn, cồng kềnh bản sao tác phẩm đăng ký được thay thế bằng ảnh chụp không gian ba chiều.

(iii) Giấy uỷ quyền, nếu người nộp hồ sơ là người được uỷ quyền;

(iv) Tài liệu chứng minh quyền nộp hồ sơ, nếu người nộp hồ sơ thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;

(v) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

(vi) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.

Cách thức nộp hồ sơ bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan

Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp 01 hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại trụ sở Cục Bản quyền tác giả. Hồ sơ có thể gửi qua đường bưu điện.

Cá nhân, pháp nhân nước ngoài có tác phẩm, chương trình biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại Khoản 2 Điều 13 và Điều 17 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 trực tiếp hoặc uỷ quyền cho tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan nộp đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Cục Bản quyền tác giả.

Nơi tiếp nhận hồ sơ đăng ký quyền tác giả

Hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền tác giả có thể nộp trực tiếp hoặc gián tiếp có cục bản quyền tác giả ở Hà Nội hoặc các văn phòng đại diện ở Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Địa chỉ cụ thể như sau:

-   Phòng đăng ký bản quyền tác giả thuộc cục bản quyền tác giả: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Điện thoại: 04.38 234 304.

-   Văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh: Số 170 đường Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Điện thoại: 08.39 308 086.

-   Văn phòng tại Đà Nẵng: Số 01 Đường An Nhơn 7, An Hải Bắc, Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Điện thoại: 0511.3 606 967.

Lệ phí thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả

Theo Quy định Thông tư 211/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan có quy đinh như sau:

(i) Chi phí nhà nước cho việc đăng ký bản quyền tác giả là 100.000 đồng áp dụng cho các đối tượng bản quyền sau:

– Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác (gọi chung là loại hình tác phẩm viết);

– Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

– Tác phẩm báo chí;

– Tác phẩm âm nhạc;

– Tác phẩm nhiếp ảnh.

(ii) Chi phí nhà nước cho việc đăng ký bản quyền tác giả là 300.000 đồng áp dụng cho các đối tượng bản quyền sau:

– Tác phẩm kiến trúc;

– Bản hoạ đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học.

(iii) Chi phí nhà nước cho việc đăng ký bản quyền tác giả là 400.000 đồng áp dụng cho các đối tượng bản quyền sau:

– Tác phẩm tạo hình;

– Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.

(iv) Chi phí nhà nước cho việc đăng ký bản quyền tác giả là 500.000 đồng áp dụng cho các đối tượng bản quyền sau:

– Tác phẩm điện ảnh;

– Tác phẩm sân khấu được định hình trên băng, đĩa.

(v) Chi phí nhà nước cho việc đăng ký bản quyền tác giả là 600.000 đồng áp dụng cho các đối tượng bản quyền sau:

Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu hoặc các chương trình chạy trên máy tính

Để làm rõ hơn về thủ tục đăng ký quyền tác giả, vui lòng xem thêm bài viết: Thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả 

Một số câu hỏi thường gặp khi thực hiện đăng ký quyền tác giả

Câu hỏi 1: Quyền tác giả đối với tác phẩm phát sinh khi nào?

Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất l­ượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay ch­ưa đăng ký.

Câu hỏi 2: Tại sao cần đăng ký bản quyền tác giả?

Mặc dù đăng ký bản quyền không phải là bắt buộc, tuy nhiên nếu cá nhân hoặc tổ chức là tác giả đã đăng ký bản quyền tác giả/ quyền liên quan với Cục bản quyền tác giả – văn học nghệ thuật sẽ mang lại rất nhiều thuận lợi khi có tranh chấp xảy ra và là cơ sở xác nhận thời điểm phát sinh quyền tác giả, quyền của chủ sở hữu tác phẩm.

Câu hỏi 3: Ai có quyền đăng ký bản quyền tác giả?

Theo quy định tại Điều 13 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, tác giả, chủ sở hữu có quyền được bảo hộ quyền tác giả bao gồm:

  • Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra sản phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả
  • Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trên bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó dược công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Để biết rõ về những rủi ro cũng như là hạn chế những hành vi xâm phạm quyền tác giả, vui lòng xem thêm bài viết: Xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực thương mại được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Luật sư Nguyễn Bích Phượng

Luật sư Nguyễn Bích Phượng

https://everest.org.vn/luat-su-nguyen-bich-phuong/ Luật sư Nguyễn Bích Phượng có 4 năm kinh nghiệm làm việc tại Công ty Luật TNHH Everest: Xử lý các vụ án liên quan đến tranh chấp về thừa kế, hôn nhân- gia đình, dân sự, lao động, doanh nghiệp.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.91162 sec| 1067.258 kb